Nấu canh cua đồng nhớ thêm loại gia vị này: Thịt cua đóng tảng, nước ngọt thanh, không tanh

Canh cua là món ăn mùa hè được nhiều người yêu thích. Để nấu được bát canh cua ngọt thanh, không bị tanh, bạn có thể tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây.

Trong các bữa cơm mùa hè, nếu có bát canh cua kết hợp với cà pháo, đậu rán, thịt rang cháy cạnh thì còn gì bằng. Những món ăn này tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn, thích hợp với những ngày hè nóng bức.

Trong đó, món canh cua đối với nhiều người là món khó nấu nhất. Nếu không khéo, phần thịt cua sẽ vị vỡ, không đóng thành tảng và canh có mùi tanh, không ngon. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn nâu được bát canh cua đồng đẹp mắt, ngon miệng.

Chọn cua đồng tươi ngon

Khi mua cua đồng, bạn nên chọn những con có chân linh hoạt, di chuyển nhanh, các chân và càng còn đầy đủ, phần mai cua sáng và cứng. Tùy theo sở thích, bạn có thể chọn cua đực hoặc cua cái để nấu canh. Cua cái với phần yếm to (yếm nằm dưới bụng con cua) thường cho nhiều gạch vàng hơn. Trong khi đó, cua đực có yếm nhỏ và nhọn, sẽ cho nhiều thịt hơn.

Ngoài việc lật ngửa con cua, kiểm tra phần yếm để biết cua đực hay cua cái, bạn cũng nên ấn nhẹ vào yếm để biết cua có nhiều thịt hay không. Nếu thấy yếm bị mềm, ấn xuống bị lún tức là cua ốp, ít thịt, dễ có mùi khai.

Thông thường, vào dịp đầu và cuối tháng âm lịch là thời điểm cua đồng nhiều thịt và béo nhất. Bạn nên chọn thời điểm này để mua chua. Theo kinh nghiệm dân gian, mua cua vào giữa tháng sẽ dễ gặp tình trạng cua bị ốp, ít thịt.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều sản phẩm cua đồng xay sẵn được đóng thành túi và cấp đông. Bạn cũng có thể chọn sản phẩm này khi không mua được cua đồng tươi. Tuy nhiên, cần chú ý tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng, tình trạng của sản phẩm để tránh mua phải đồ kém chất lượng.

Cách sơ chế cua

Cua mua về hãy đổ vào chậu nhỏ hoặc thùng có thành cao. Sau đó, thêm một chút nước và muối hạt. Đậy nắp thùng hoặc lấy một chiếc khay che đậy kín miệng chậu rồi sóc mạnh để loại bỏ bùn đất bám trên mình cua.

Rửa lại cua bằng nước sạch cho hết bùn đất.

Sau đó, tiến hành bóc mai. Phần mai để riêng sang một bên. Lấy tăm nhọn khều nhẹ để lấy phần gạch vàng bên trong mai ra, để vào bát. Có thể cho gạch cua vào rây rồi rửa nhẹ với nước sạch. Bước này giúp loại bỏ phần đen trong gạch cua, giúp gạch cua không bị tanh và có màu vàng đẹp mắt hơn.

Bóc bỏ phần yếm cua. Phần thân cua rửa qua với nước cho sạch rồi để ráo trước khi đem đi giã.

Bạn có thể dùng máy xay để xay nhuyễn thân cua. Cách này sẽ tiết kiệm thời gian và sức lực. Tuy nhiên, nhiều người lại thích cách giã cua bằng chày và cối.

Phần thân cua sẽ được cho vào cối, thêm một chút muối hạt và giã nhanh tay. Thêm muối giã chung với cua sẽ làm protein trong thịt cua kết dinh với nhau. Như vậy, khi nấu lên, bạn sẽ thấy phần thịt cua đóng thành tảng.

Nhiều người thích chọn cách giã cua bằng tay vì cho rằng cách này sẽ giúp canh cua thơm ngon hơn.
Nhiều người thích chọn cách giã cua bằng tay vì cho rằng cách này sẽ giúp canh cua thơm ngon hơn.

Giã nhuyễn cua cho đến khi phần thịt và phần vỏ quyện vào nhau và đạt độ dẻo quánh là được.

Tiếp đến, đổ nước vào phần thịt cua đã giã. Nhẹ nhàng bóp đều cua và nước. Phần thịt cua sẽ được hòa với nước. Lúc này, bạn cần để yên một lúc để vỏ cua lắng xuống.

Sau đó, lọc lấy phần nước cua ở phía trên.

Để tận dụng hết phần thịt cua, bạn sẽ thêm nước vào phần bã, bóp đều và tiếp tục lọc một lần nữa.

Chỉ cần chắt phần nước lọc cua từ cối sang nồi nấu, không nên dùng rây lọc. Phần thịt cua đã được giã nhỏ rất dễ mắc vào rây, gây lãng phí.

Mẹo nấu canh cua

Khi nấu canh cua, bạn sẽ cần chuẩn bị một số loại rau cơ bản như rau đay, rau mồng tơi, mướp. Những nguyên liệu này cần rửa sạch, để ráo nước và cắt thành miếng nhỏ.

Cho nồi nước cua lên bếp và để lửa vừa. Dùng đũa khuấy nhẹ theo một chiều cho thịt cua bám vào nhau nhưng không bị cháy ở đáy nồi. Khi nước nóng lên, bạn sẽ thấy thịt cua đóng lại thành tảng, tách ra khỏi nước, phần nước sẽ trở nên trong hơn. Đây là lúc phải vặn nhỏ lửa. Nếu để lửa lớn, nước sôi mạnh, thịt cua sẽ bị vỡ.

Khi thấy thịt cua nổi thành tảng lớn bên trên mặt nước, nước sôi lăn tăn, hãy lấy muôi thủng múc phần thịt cua để ra bát riêng. Phần thịt cua này sẽ để cho vào bát canh khi đã hoàn thành. Nếu nấu lẩu cua, bạn cũng sẽ áp dụng cách tương tự.

Khi nước sôi, hãy cho các loại rau vào để nấu. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

Khi nấu phần nước cua, bạn nên để nhỏ lửa cho thịt cua đông lại thành tảng, không bị vỡ vụn. Sau đó, vớt thịt cua ra bát riêng, cho rau vào nấu.
Khi nấu phần nước cua, bạn nên để nhỏ lửa cho thịt cua đông lại thành tảng, không bị vỡ vụn. Sau đó, vớt thịt cua ra bát riêng, cho rau vào nấu.

Với phần gạch cua lấy được từ mai cua, để tăng mùi thơm cho món ăn, bạn sẽ đem nó đi phi thơm với hành. Đặt chảo lên bếp, cho mỡ lợn vào chảo, thêm hành khô vào đảo đều cho thơm rồi bỏ mai cua vào. Đảo nhanh tay. Khi gạch cua dậy mùi thơm thì nêm chút gia vị, một chút xíu nước cua đã nấu. Tắt bếp.

Múc canh ra bát và cho phần thịt cua đóng tảng lên trên bát canh. Sau đó, cho phần gạch cua phi cùng hành này lên để bát canh cua trông bắt mắt hơn.

Như vậy, khi nấu canh cua, bạn sẽ cần chú ý đến một số điểm sau:

  • Khi giã cua, hãy thêm muối hạt để protein trong thịt cua có thể đông lại, tạo thành tảng khi nấu.
  • Khi nấu nước cua, cần phải để nhỏ lửa, nước sôi nhẹ, tránh làm thịt cua bị vỡ.
  • Phần gạch vàng cua cua đem phi thơm với hành rồi cho lên trên cùng của bát canh để tạo độ đẹp mắt, hấp dẫn và cũng làm canh thơm ngon hơn, không bị tanh.