Năm 2025, những trường hợp này phải đi đổi giấy phép lái xe ngay: Nếu không sẽ bị phạt tiền tới 12 triệu đồng

Dù không bắt buộc toàn bộ người dân phải đổi sang mẫu GPLX mới, nhưng vẫn có một số trường hợp cụ thể phải thực hiện thủ tục cấp đổi để tránh bị xử phạt hành chính lên tới 12 triệu đồng.

Trong năm 2025, nhiều quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX) sẽ chính thức được áp dụng theo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024. Dù không bắt buộc toàn bộ người dân phải đổi sang mẫu GPLX mới, nhưng vẫn có một số trường hợp cụ thể phải thực hiện thủ tục cấp đổi để tránh bị xử phạt hành chính lên tới 12 triệu đồng.

Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép lái xe là loại giấy tờ pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cho phép một cá nhân được điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trên đường. Để được cấp GPLX, người dân phải trải qua kỳ thi sát hạch cả lý thuyết lẫn thực hành, đảm bảo đủ điều kiện và tiêu chuẩn kỹ năng điều khiển phương tiện. Trong trường hợp cá nhân điều khiển phương tiện mà không có GPLX hợp lệ, sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành của pháp luật.

z6509190835458_870dcd2d2144b6b05564aeb33b6b9908

Những trường hợp buộc phải đổi giấy phép lái xe trong năm 2025

Căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, người dân bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe trong các trường hợp dưới đây:

  • Người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng nhưng sắp hết hạn. Việc đổi trước thời hạn là cần thiết để tránh bị phạt nếu quá hạn sử dụng.
  • Người có giấy phép lái xe bị hỏng, rách hoặc không còn rõ thông tin, dù vẫn còn thời hạn sử dụng.
  • Trường hợp người có GPLX hạng E đã đủ 55 tuổi (đối với nam) và 50 tuổi (đối với nữ), nếu vẫn có nhu cầu tiếp tục điều khiển phương tiện thì được xét đổi sang GPLX hạng D trở xuống, với điều kiện đáp ứng yêu cầu sức khỏe.
  • Trường hợp thông tin cá nhân trên GPLX như họ tên, ngày tháng năm sinh không trùng khớp với thông tin trên căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.
  • Người nước ngoài đang cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam có GPLX quốc gia còn thời hạn và đầy đủ giấy tờ hợp lệ như thẻ tạm trú, thường trú, chứng minh thư ngoại giao… được phép đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam nếu có nhu cầu điều khiển phương tiện tại Việt Nam.
  • Khách du lịch quốc tế có GPLX quốc gia còn thời hạn khi muốn điều khiển phương tiện tại Việt Nam cũng được xét đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam.
  • Người Việt Nam trong thời gian học tập, làm việc, cư trú ở nước ngoài được cấp GPLX quốc gia bởi cơ quan nước ngoài có thẩm quyền, nếu còn thời hạn và có nhu cầu điều khiển xe tại Việt Nam thì có thể xin đổi sang GPLX Việt Nam.
  • Người Việt Nam hoặc người nước ngoài định cư lâu dài tại Việt Nam đã từng đổi GPLX từ bằng quốc tế sang Việt Nam, nếu bằng cũ hết hạn và có nhu cầu sử dụng tiếp tục cũng phải tiến hành đổi lại GPLX.
  • Những người sở hữu GPLX hạng FD, FE do ngành Giao thông vận tải cấp trước ngày 1/7/2009, nếu có nhu cầu điều khiển xe tải kéo rơ moóc hoặc đầu kéo sơ mi rơ moóc cần làm thủ tục đổi bổ sung sang GPLX hạng FC.

Ngoài các trường hợp trên, người dân hoàn toàn có thể xin đổi GPLX vì lý do cá nhân hoặc nhu cầu riêng, không cần đợi đến khi bị bắt buộc.

Mức phạt nếu không đổi giấy phép lái xe đúng quy định

z6509191460129_37e2658bcf585d909d329199ef79882d

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các trường hợp vi phạm về GPLX sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu GPLX đã hết hạn dưới 3 tháng hoặc sử dụng GPLX quốc tế nhưng không kèm theo bằng quốc gia.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu sử dụng GPLX đã hết hạn từ 3 tháng trở lên, GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa hoặc không phù hợp với loại xe đang điều khiển.

Như vậy, việc không chủ động kiểm tra thời hạn và tình trạng của giấy phép lái xe có thể khiến người dân phải đối mặt với mức phạt cao, đặc biệt nếu bằng lái đã hết hạn từ 3 tháng trở lên hoặc thông tin trên bằng không hợp lệ.