MU mất trắng sau chung kết: Danh hiệu không có, tiền cũng đi

Thất bại 0-1 trước Tottenham ở chung kết Europa League không chỉ là cú đấm vào lòng tự tôn của Manchester United, mà còn là cú sốc lớn về tài chính.
MU tổn thất tài chính nặng nề.
MU tổn thất tài chính nặng nề.

Trận đấu tại Bilbao quyết định danh hiệu, và là cánh cửa dẫn vào Champions League mùa sau – nơi chứa đựng hàng trăm triệu euro tiền thưởng và lợi ích thương mại. Spurs bước vào cánh cửa ấy, còn United... thì không.

Để thua trong một trận cầu nhạt nhòa, United ngay lập tức mất ít nhất 80 triệu euro – chưa kể khoản tiền gần 150 triệu euro nếu họ tiến xa tại Champions League.

Con số ấy thậm chí còn chưa bao gồm khoản 4 triệu euro Tottenham sẽ nhận được từ UEFA khi dự Siêu cúp châu Âu vào tháng 8, hay khoản thưởng thêm 1 triệu euro nếu vô địch.

Hậu quả tài chính là rất rõ ràng, nhưng điều đáng sợ hơn là xu hướng đi xuống đã kéo dài suốt nhiều năm – và giờ đây đang chuyển sang dạng khủng hoảng hệ thống.

Văn hóa thất bại từ thượng tầng?

Chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire đã chỉ ra sự trớ trêu: United có doanh thu nhiều hơn Spurs, nhưng trả lương cao hơn tới 64%, và sở hữu đội hình được đầu tư đắt đỏ hơn rất nhiều – nhưng vẫn thua cả 4 lần đối đầu mùa này, ở Premier League và các đấu trường cúp.

“Nếu tôi dạy quản trị kinh doanh, tôi sẽ kết luận có vấn đề nghiêm trọng trong văn hóa tổ chức – thứ được định hình từ ban lãnh đạo cấp cao,” Maguire nhận xét.

United chi đậm, nhưng chi sai. Họ trả giá vì những quyết định kém hiệu quả từ ban lãnh đạo trong cả một thập kỷ kể từ khi Sir Alex Ferguson ra đi.

Dưới thời Ruben Amorim – người mới tại vị chưa đầy một năm – vấn đề không nằm ở ghế huấn luyện, mà ở những con người phía trên ông.

Quỷ đỏ ngày càng lụn bại.
Quỷ đỏ ngày càng lụn bại.

Tài chính ngày càng đi lùi

Theo UEFA, dù doanh thu United đạt kỷ lục gần 662 triệu bảng mùa trước, họ lại có tốc độ tăng trưởng chậm hơn gần hết các đối thủ lớn tại Premier League (trừ Chelsea).

Hệ quả đang dần hiện rõ: việc rơi xuống thứ 16 ở Premier League khiến họ mất 22 triệu bảng tiền thưởng so với mùa trước. Cộng thêm khoản lỗ 113 triệu bảng trong mùa tài chính gần nhất, United đã lỗ gần 400 triệu bảng trong 4 năm qua – chạm ngưỡng báo động đỏ so với quy định tài chính của Premier League (cho phép lỗ tối đa 105 triệu bảng trong 3 năm).

CLB buộc phải tính đến phương án cắt giảm chi phí và thanh lý tài sản: từ việc sa thải nhân viên, tăng giá vé, cho tới khả năng bán ngôi sao như Bruno Fernandes hoặc Marcus Rashford. Nhưng đó là con dao hai lưỡi: bán đi ngôi sao đồng nghĩa với sức cạnh tranh suy giảm, kéo theo chu kỳ thất bại mới.

FIFA Club World Cup và tương lai mù mịt

United cũng chính thức mất suất dự FIFA Club World Cup 2025 – giải đấu mà FIFA hứa hẹn tổng thưởng 1 tỷ USD, trong đó mỗi đại diện châu Âu có thể nhận hơn 100 triệu USD. 

Manchester United vẫn là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới bóng đá, nhưng ánh hào quang ấy đang dần phai tàn. Không danh hiệu, không Champions League, không FIFA Club World Cup – và rất có thể, không còn cả những ngôi sao lớn.

Nếu không thay đổi văn hóa vận hành, và sớm đưa ra những quyết định đúng đắn, Old Trafford có nguy cơ trở thành... một bảo tàng bóng đá hào nhoáng, nhưng đã lỗi thời.