Trước thời điểm TPHCM công bố những chiến lược chống dịch giai đoạn mới, nhiều người dân TPHCM không giấu sự vui mừng, vì sau nhiều tháng chống dịch kết quá đã tốt đẹp hơn. Việc mở cửa lại các hoạt động, với nhiều người như là mở cửa chính tâm hồn của họ.
Theo anh LÊ CAO PHI LONG – Huyện Bình Chánh, TP.HCM: “Cách ly ở nhà 3 tháng rồi, tâm lý rất là muốn ra đường, bồn chồn, rất là khao khát được ra đường.”
Chắc chắn ngày hết giãn cách là ngày mà nhiều người cùng vỡ oà trong mọi cảm xúc lẫn không gian và môi trường sống của mình. Tâm hồn cũng mở cửa để đón không khí nhộn nhịp trong bao ngày “nhốt bản thân” để cùng thành phố chống dịch bệnh. Anh Huỳnh Minh Đạt - Quận 12, Tp.HCM chia sẻ: “Chỉ quanh quẩn ở nhà nên mình rất nhớ cái không khí ồn ào nhộn nhịp, tụ tập bạn bè và cả hương vị của những món ăn đường phố nữa. Nếu mà TP mở cửa hoạt động trở lại thì mình sẽ xách xe chạy ngay ra ngoài đường, cùng bạn bè tụ họp đi ăn những món ăn mình thích”.
Một niềm vui nhưng có đến hàng trăm nỗi lo khi mà ý thức cá nhân chưa tốt sẽ dễ làm cho dịch bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Trong đó vấn đề tiêm vắc xin vẫn bị nhiều người nhầm lẫn rằng sau khi tiêm 2 mũi là có thể thoải mái hoạt động.
Theo Ông NGUYỄN TRẦN TRUNG HẢI – Nhà nghiên cứu xã hội học TP.HCM cho biết: “Tâm lý ỷ y vào vắc xin này chúng ta nên loại bỏ ngay bởi vì vắc xin chỉ là một trong những biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh covid.”
Còn theo Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH – Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM: “Có một tỷ lệ nhất định của những người chích ngừa rồi mắc bệnh, thì họ khó biểu hiện lâm sàn hơn, ít biểu hiện lâm sàn hơn, thành ra nhìn khó biết hơn và chính khó biết đó, mình đi đâu mình về đâu, mình hòa nhập chung với những người chưa chích ngừa, sẽ lây cho người đó. Thì lúc đó những người đó bệnh nhiều, thì nó sẽ quá tải khối điều trị, rồi cuối cùng chúng ta lại giãn cách trở lại.”
Việc thay đổi các thói quen cũ khi một số hoạt động của TP mở cửa cũng được các chuyên gia lưu ý, trong đó các vấn đề như giải tỏa tâm lý, tụ tập bạn bè, đổ xô tham dự sự kiện sắp diễn ra, như tết trung thu vừa qua tại Hà Nội là một mình chứng, biển người chật cứng các con phố ngay sau khi Hà Nội từ chỉ thị 16 xuống chỉ thị 15 và mọi giấy tờ khi ra đường không còn là vấn đề thì sự tự do làm thao túng lý trí của người dân.
Cái nguy cơ của người dân, cũng là cái nguy cơ của UBND TP.HCM và cũng là nguy cơ của ngành y tế, mình phải hiểu như vậy để mình cùng nhau giảm cái nguy cơ đó. Thì cái nguy cơ sợ nhất đó là số ca bệnh nặng nó cao lên và nó quá tải đi cái ngành y tế, cái nguyên nhân nhiều nhất là người có nguy cơ bệnh nặng không được chích ngừa đủ, cái thứ 2 là nguồn lây của những người thông thường dễ tấn công cho những người đó hơn. - Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH cho biết thêm
Theo bác sĩ Khanh ngoài nhóm đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin khi hoạt động lại phải thật sự cẩn trọng, chú ý các khuyến cáo của bộ y tế thì nhóm đối tượng có nguy cơ cao là những người chưa được tiêm ngừa hay tiêm ngừa vắc xin chưa đủ cần hợp tác không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.
Song song mới niềm vui ngày thành phố hết giãn cách, thì nhiều người khác cũng còn các tâm lý e ngại, không muốn ra ngoài nhiều vì các ca bệnh tại Tp. HCM vẫn còn dao động ở mức cao. Chị NGUYỄN THỊ NGỌC TIÊN – Quận Phú Nhuận, TP.HCM nói: “Mình sẽ cố gắng hạn chế tối đa các hoạt động, chẳng hạn như là mình sẽ duy trì việc tập thể dục ở nhà, tại phòng và về chế độ ăn uống thì mình cũng sẽ cố gắng nấu ăn tại nhà. Cuối cùng là nếu có thể duy trì được thì mình sẽ xin phép công ty tiếp tục làm việc tại nhà, để mà hạn chế sự di chuyển khi ra đường cũng như là tiếp xúc trong cộng đồng.
Các hoạt động nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ rất dễ làm lây lan và bùng phát dịch trở lại
Không chỉ riêng chị Ngọc Tiên, mà đây chắn chắn là tâm lý phòng vệ của rất nhiều người để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và xã hội, ông NGUYỄN TRẦN TRUNG HẢI chia sẻ: “Khi tái lập lại trạng thái bình thường mới của TP.HCM chúng ta nên nhớ lại những hậu quả nghiêm trọng khi mà chúng ta lơ là mất cảnh giác, thì dịch bệnh này nó có thể bùng phát lại 1 lần nữa, thì hậu quả nó vô cùng nghiêm trọng.”
Trong thời điểm bùng phát dịch lần thứ 4 này, với đỉnh điểm một ngày trên 10 ngàn ca bệnh mới, cũng là một hồi chuông báo thức đến với cộng đồng vì khả năng lây lan của virus Covid-19. Lúc này thì người dân cũng đã ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch. Theo Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH: “Mình phải bình tĩnh, mình hòa nhập ít thôi, khu vực nào mình tới, khu vực nào mình không tới, để mình chích ngừa đủ 2 mũi sau 14 ngày, thì lúc đó khả năng mắc bệnh hoặc mắc bệnh nặng của mình sẽ giảm xuống, thì lúc đó mình hòa nhập mình mới an tâm được, cho nên phải mỗi người suy nghĩ về cái đó, để làm sao cho cái sự hòa nhập nó bền vững, đạt tới mức nó hoàn toàn bình thường.”
Từ những bài học của các quốc gia trên thế giới khi chấp nhận sống chung với dịch, người dân TP.HCM phải nâng cao ý thức hơn, luôn bình tĩnh đón nhận thông tin, giải pháp từ lãnh đạo TP, để việc mở cửa này sẽ là bài học đáng giá và có thể toàn tâm toàn ý tập trung cho phát triển kinh tế.