Mẹo tiết kiệm điện nước, nhiều thói quen nhỏ lợi ích lớn nhưng nhiều người bỏ qua

Trong các mẹo tiết kiệm điện nước thì có rất nhiều thói quen nhỏ nhưng nhiều người chủ quan bỏ qua mà không biết rằng thực hiện thì hóa đơn hàng tháng giảm rất nhiều.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiết kiệm điện nước không chỉ giúp giảm chi phí sinh hoạt mà còn là hành động thiết thực góp phần bảo vệ tài nguyên quốc gia. Tiết kiệm điện nước không chỉ là thói quen tốt cho gia đình mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và thế hệ mai sau.

Đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng cực điểm, việc dùng điều hòa, quạt thường xuyên, tăng sử dụng nước sẽ khiến nhiều gia đình đau đầu vì hóa đơn tiền điện nước tăng lên. Có gia đình phải thanh toán tăng gấp đôi gấp rưỡi. 

Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm điện nước hiệu quả, dễ thực hiện tại nhà, giúp bạn vừa tiết kiệm tiền, vừa sống xanh – sạch – hiện đại hơn.

Các mẹo tiết kiệm điện đơn giản nhưng hiệu quả cao

1. Rút phích cắm thiết bị khi không sử dụng: Đây là một thói quen nhỏ nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Các thiết bị như: ấm siêu tốc, bình nóng lạnh, quạt điện, máy sưởi... vẫn tiêu thụ điện kể cả khi đã tắt nút nguồn nếu không rút phích cắm. Hãy tạo thói quen rút ổ cắm khi không dùng trong thời gian dài hoặc khi ra khỏi nhà để tránh lãng phí điện năng không cần thiết.

Rất nhiều hành động nhỏ nhưng giúp tiết kiệm điện
Rất nhiều hành động nhỏ nhưng giúp tiết kiệm điện

2. Không sạc điện thoại và laptop qua đêm: Việc sạc thiết bị điện tử suốt đêm không chỉ gây lãng phí điện mà còn làm giảm tuổi thọ pin, dễ gây quá nhiệt và hỏng hóc. Tốt nhất, hãy sạc trong lúc bạn còn thức và rút sạc khi thiết bị đã đầy. Điều này vừa giúp tiết kiệm vừa an toàn cho thiết bị của bạn.

3. Tối ưu thời gian sử dụng thiết bị điện: Thay vì dùng đồ điện một cách rời rạc, hãy sắp xếp công việc khoa học. Ví dụ: Khi nấu ăn, nên lên danh sách thực phẩm cần lấy từ tủ lạnh một lần để tránh mở cửa nhiều lần gây thất thoát nhiệt. Hay như khi dùng bình nóng lạnh, nên sắp xếp để các thành viên trong gia đình tắm gần nhau về thời gian, tránh bật – tắt nhiều lần gây tiêu hao điện không cần thiết.

4. Cải thiện hệ thống cách nhiệt trong nhà: Lắp đặt vật liệu cách nhiệt cho mái, tường và sàn là khoản đầu tư lâu dài giúp giữ ấm mùa đông, mát mẻ mùa hè, từ đó giảm nhu cầu sử dụng thiết bị làm nóng hoặc làm mát. Đặc biệt, đối với nhà có hướng nắng hoặc mái tôn, biện pháp này cực kỳ hiệu quả. Cách đơn giản và linh hoạt là hãy kéo rèm, căng bạt che nắng, trồng thêm cây xanh quanh nhà...

5. Chọn kính cửa phù hợp để giảm hấp thụ nhiệt: Cửa kính có thể khiến ngôi nhà trở nên nóng bức nếu không được thiết kế đúng cách. Hãy ưu tiên sử dụng các loại kính cách nhiệt, hoặc lắp rèm chống nắng, phim dán phản quang… để giảm sự thẩm thấu nhiệt từ ánh sáng mặt trời, qua đó tiết kiệm điện cho điều hòa. Nếu ngôi nhà đã ổn định thì cách đơn giản hơn là hãy che rèm nơi cửa sổ, cửa chính vào ban ngày, kéo rèm mở cửa buổi tối.

6. Sử dụng đèn LED và tắt điện khi không cần thiết: Hãy thay thế toàn bộ bóng đèn cũ trong nhà bằng đèn LED tiết kiệm điện. Loại đèn này không chỉ có tuổi thọ cao mà còn giảm lượng điện tiêu thụ đến 80%. Ngoài ra, đừng quên tắt đèn khi ra khỏi phòng để tránh lãng phí điện và giúp kéo dài tuổi thọ bóng đèn.

Các mẹo tiết kiệm nước bạn nên áp dụng ngay hôm nay

1. Sửa chữa rò rỉ nước kịp thời: Dù chỉ là một giọt nước nhỏ chảy liên tục cũng có thể gây thất thoát hàng trăm lít nước mỗi tháng. Vì vậy, hãy kiểm tra và khắc phục các vòi nước, ống dẫn bị rò rỉ ngay khi phát hiện để không bị hao phí nước ngầm.

2. Nấu nước uống vừa đủ dùng: Thói quen nấu đầy siêu nước rồi đổ bỏ phần thừa không chỉ gây lãng phí nước mà còn hao điện. Hãy tính toán lượng nước cần dùng vừa đủ mỗi lần, giúp tiết kiệm cả hai nguồn tài nguyên quý giá.

3. Thay thế vòi nước truyền thống bằng vòi phun tiết kiệm: Các loại vòi phun tia nhỏ có thể kiểm soát lưu lượng nước chảy, giúp tiết kiệm tới 50% lượng nước sử dụng so với vòi truyền thống. Đây là giải pháp thông minh cho cả nhà bếp và phòng tắm.

Chú ý các vòi nước trong gia đình
Chú ý các vòi nước trong gia đình

4. Kiểm tra hệ thống cấp thoát nước định kỳ: Định kỳ kiểm tra toàn bộ hệ thống đường ống, bồn chứa, van khóa... sẽ giúp phát hiện sớm các lỗi kỹ thuật như nứt, vỡ, rò rỉ, từ đó giảm nguy cơ thất thoát nước.

5. Tái sử dụng nước trong sinh hoạt hằng ngày: Thay vì đổ bỏ, bạn có thể tận dụng nước vo gạo để tưới cây, nước giặt sơ để cọ rửa sân vườn hoặc dùng nước thải từ máy điều hòa để lau sàn. Đây là những cách tận dụng đơn giản, tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước quý giá.

Việc tiết kiệm điện nước không phải là hành động nhất thời mà nên trở thành thói quen sống văn minh, bền vững của mỗi gia đình. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày – tắt đèn khi ra khỏi phòng, rút phích cắm thiết bị không sử dụng, sửa vòi nước rò rỉ… Những hành động nhỏ sẽ tạo nên tác động lớn – không chỉ giảm chi phí sinh hoạt mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên cho thế hệ mai sau.