Malaysia lo lắng cho thế hệ còi xương và chậm lớn

Tỷ lệ trẻ em bị còi xương ở Malaysia là 30%, bao gồm cả những đứa trẻ lớn lên từ các gia đình khó khăn hay khá giả.

[caption id="" align="aligncenter" width="860"] Một chương trình sữa miễn phí được triển khai tại một quận ở Kuala Lumpur, như nỗ lực giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ảnh: Hannah Yeoh/Straits Times.[/caption]

Bà Mimi Abdullah (45 tuổi, Malaysia) lo lắng nhìn con trai đang tuổi thiếu niên nhưng thấp còi nhất lớp. Người phụ nữ vẫn cho con uống sữa theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng vô ích vì cậu không thích sữa. Gia đình người phụ nữ này có thu nhập, thuộc top 20% hộ gia đình có mức sống khá. Thế nhưng, dù cố gắng bù đắp bằng nhiều cách, thể trạng con trai bà Abdullah không cải thiện.

Thế hệ còi xương

Tiết lộ với Straits Times vào tháng 11, Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lukanisman Awang Sauni cho hay theo dữ liệu trong 5 năm qua, 29,7% trẻ em dưới 4 tuổi tại quốc gia này đã hoặc đang bị chậm phát triển.

Khảo sát về sức khỏe và bệnh tật quốc gia năm 2022 cũng cho biết tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi đang ảnh hưởng đến 21,2% tổng số trẻ em ở Malaysia. Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia cho biết điều này ảnh hưởng đến cả nhóm thu nhập thấp và nhóm khá giả.

“Những người có thu nhập thấp hơn có xu hướng mua thực phẩm rẻ và ít dinh dưỡng do nguồn tài chính hạn chế. Điều này ngày một tồi tệ hơn do chi phí sinh hoạt tăng cao trong vài năm qua”, bà nói với Quốc hội Malaysia hôm 1/11.

Theo Giáo sư Dinh dưỡng Poh Bee Koon, Đại học Kebangsaan Malaysia, một số nguyên nhân khiến trẻ còi xương có thể là chế độ ăn uống nghèo nàn, bệnh tật, môi trường gia đình không lành mạnh và các yếu tố kinh tế xã hội.

Trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây với 2.989 trẻ em Malaysia 6 tháng đến 12 tuổi, vị giáo sư cho hay trẻ em nước này phải đối mặt với nguy cơ mắc suy dinh dưỡng cao gấp 3 lần. Nghiên cứu cũng tiết lộ 95% trẻ không nhận đủ lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày, 80% trẻ không được nhận đủ canxi. Nguyên nhân của điều này là tỷ lệ tiêu thụ sữa thấp. Sữa lại là nguồn cung cấp canxi và protein chính cho trẻ em.

[caption id="" align="aligncenter" width="1200"]tre em coi xuong anh 1 Malaysia triển khai chương trình sữa miễn phí tại Taman Sejahtera cho trẻ em. Ảnh: Hannah Yeoh/Straits Times.[/caption]

Nỗ lực thay đổi

Với hy vọng cải thiện chất lượng thế hệ tương lai, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Hannah Yeoh đã phát động chương trình sữa miễn phí trong một năm vào ngày 16/11. Dự án sẽ cung cấp sữa miễn phí 3 bịch/tuần cho khoảng 300 trẻ em dưới 6 tuổi thuộc các gia đình có thu nhập thấp.

Chương trình sẽ làm việc với các nhà thờ địa phương để xác định những gia đình có nhu cầu. Sau đó, họ có thể đổi sản phẩm sữa bằng cách quét mã QR tại các máy bán hàng tự động. Giáo sư Poh Bee Koon cho rằng chính phủ nên khôi phục chương trình bữa sáng miễn phí cho học sinh tiểu học, vì nhiều trẻ không ăn sáng trước giờ học, kể cả những bé thuộc gia đình giàu có.

Điều này sẽ giúp giảm các trường hợp chậm phát triển và tăng khả năng tập trung của học sinh trong lớp. "Đối với học sinh, điều quan trọng là phải đảm bảo các em ăn một bữa sáng đủ chất. Điều này không chỉ giúp các em học tập tốt hơn ở trường mà còn có sức khỏe tốt hơn”, bà nói.

Trước đây, vào năm 2019, Malaysia triển khai một dự án thí điểm phục vụ bữa sáng miễn phí trong trường học. Tuy nhiên, chương trình này đã bị khai trừ vì chi phí nuôi 2,7 triệu học sinh tiểu học lên tới gần 430 triệu USD (tương đương 10 nghìn tỷ đồng) mỗi năm.

Với sáng kiến này, Giáo sư Poh hy vọng trong tương lai, mọi trẻ em Malaysia đều được tiếp cận với thực phẩm tốt. Điều này không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hiện tại của các em mà còn đặt nền tảng cho một thế hệ khỏe mạnh hơn về lâu dài.

Theo Linh Thùy (znews) - Ảnh: T.H