Lý do giá xăng không giảm xuống gần 23.000 đồng/lít

Nếu không trích quỹ bình ổn thì giá xăng đã có thể giảm gần 500 đồng khiến xăng E5 RON 92 có thể xuống mức 23.000 đồng/lít.

Chiều ngày 22/8, giá xăng dầu trong nước được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần. 

Trong kỳ điều hành ngày 22/8, giá xăng dầu được điều chỉnh giữ nguyên mức giá như điều chỉnh ngày 11/8. Cụ thể, giá xăng RON 95-III và E5 RON 92 với mức giá giữ nguyên lần lượt là 24.660 đồng và 23.720 đồng/lít. Động thái này đã làm đứt mạnh giảm mạnh sau 5 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp trong tháng 7.

Trong phiên điều chỉnh này, cơ quan quản lý tiếp tục trích vào Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu. Đối với xăng E5 RON 92 là 700 đồng và RON 95-III là 750 đồng. Cụ thể, mức trích vào quỹ với xăng E5 RON 92 là 451 đồng và RON 95-III là 493 đồng; 250 đồng với dầu diesel, 400 đồng với dầu hỏa và mazut là 716 đồng một kg.

Nếu cơ quan điều hành không trích lập ở kỳ điều hành này thì giá xăng đã có thể giảm lần thứ 6 lần liên tiếp ở mức 451-493 đồng/lít và dầu diesel cũng chỉ tăng nhẹ hơn ở mức 600 đồng/lít.

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã trích tới gần 4.000 đồng/lít với mặt hàng xăng; 3.200 đồng/lít với dầu hỏa và 2.150 đồng/lít với dầu diesel.

Lý do giá xăng không giảm xuống gần 23.000 đồng/lít Ảnh minh họa

Theo phân tích từ tờ Thanh Niên, cứ mỗi lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm theo đà giảm của giá thế giới thì liên bộ lại trích Quỹ BOG cũng ở mức cao không kém. Nếu tính một cách sòng phẳng, theo đà giảm của thế giới, mức giảm thuế bảo vệ môi trường và không trích Quỹ BOG, đến nay, giá xăng đã về ngưỡng 20.000 đồng/lít thay vì ở mức 24.500 đồng hiện tại với xăng E95.

Đặc biệt, nhiều lần giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, mức trích Quỹ BOG cũng cao, thậm chí cao hơn cả mức giảm. Được biết, Quỹ BOG của nhiều DN đầu mối đến nay đã dương trở lại nhưng việc trích giữ quỹ này vẫn được thực hiện liên tục. 

Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng QBOG. Bộ Tài chính cho rằng, gắn với quy định đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu nên hoàn toàn, có thể xem xét bỏ QBOG, giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, khi bỏ Quỹ BOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối. Tuy nhiên, đến nay đề xuất vẫn nằm im lìm.

Theo TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, về cơ bản, QBOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Quỹ hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”. Mục tiêu của quỹ nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, tính toán của chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, việc có quỹ hay không cũng không có tác dụng.

“Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2022, có 56 lần điều chỉnh giá, xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi. So sánh của chúng tôi cho thấy, việc sử dụng QBOG cũng không khác so với không có quỹ. Vì vậy, việc bỏ QBOG là cần thiết để giá xăng dầu sát với thị trường”, TS Phạm Thế Anh phân tích.

Trong khi đó, nói về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải tính toán nếu bỏ quỹ này thì phải có biện pháp khác thay thế. "Tôi đã nhiều lần muốn bỏ quỹ này nhưng vấn đề nếu bỏ thì giá xăng sẽ tăng sốc. Quan trọng là đưa ra chính sách phải đảm bảo tính khả thi và tác động thực sự đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô", trên tờ Tri thức trực tuyến đưa tin về ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.