Luộc tôm cùng nắm lá này, tôm lên màu đỏ au, thịt ngọt thơm

Nhiều người không nghĩ rằng luộc tôm cùng loại lá này lại giúp nâng tầm một món ăn quen thuộc, cả hương vị lẫn màu sắc đều có sự khác biệt.

Tôm là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc với mọi người. Trong các cách chế biến tôm, luộc hoặc hấp là đơn giản nhất, giữ được hương vị nguyên bản của con tôm. Thông thường, mọi người sẽ sơ chế sạch tôm rồi cho vào nồi nước, thêm một số gia vị như muối, hành, sả... rồi chờ cho tôm chín.

Mặc dù luộc tôm không khó nhưng bạn cũng cần một số bí quyết để có được đĩa tôm lên màu đỏ đẹp mắt, không bị tanh.

Chọn tôm tươi ngon

Với món tôm luộc, ngon nhất vẫn là chọn được con tôm tươi, còn bơi khỏe. Hãy chọn những con có vỏ tươi sáng, mắt đen nhánh, cử động toàn thân linh hoạt, vẫn còn đầy đủ chân, râu. Tôm tươi sẽ có ít mùi tanh, chế biến kiểu gì cũng ngon.

Nếu mua tôm đông lạnh thì phải chọn những nơi có uy tín để mua. Phần đầu và thân tôm phải dính chặt vào nhau. Đầu và chân không bị chuyển sang màu đen.

Không mua loại tôm có mùi tanh nồng, thân mềm nhũn.

Tôm có dấu hiệu phình to bất thường ở các khớp nối trên vỏ cũng không nên mua. Đây là dấu hiệu cho thấy tôm bị bơm tạp chất để tăng trọng lượng.

Tùy theo sở thích, điều kiện, bạn có thể chọn loại tôm phù hợp để chế biến.
Tùy theo sở thích, điều kiện, bạn có thể chọn loại tôm phù hợp để chế biến.

Sơ chế tôm

Tôm mua về cần được sơ chế sạch trước khi nấu. Nếu mua tôm tươi, còn giãy khỏe, bạn nên ngâm tôm trong nước đá cho tôm "ngất" rồi mới làm sạch. Như vậy, việc sơ chế tôm vừa dễ hơn vừa không làm mất đi độ tươi ngon của tôm.

Nên cắt bớt phần râu dài của tôm. Có thể rút bỏ chỉ lưng tôm và túi chất thải ở đầu tôm để khử mùi tanh, giúp tôm thơm ngon hơn.

Mẹo luộc tôm thơm ngon

  • Luộc tôm cùng lá dứa

Một trong những bí quyết giúp tôm luộc thơm ngon hơn là sử dụng lá dứa (lá nếp). Mọi người thường chỉ dùng loại lá này khi nấu cơm, nấu xôi hay nấu chè. Bây giờ, bạn có thể thử món tôm luộc cùng lá dứa. Đảm bảo hương vị thơm ngon của món ăn này sẽ khiến bạn không quên.

Đặt nồi nước lên bếp, đun cho nước nóng lên, thêm ít muối và thả lá dứa đã rửa sạch vào. Khi nước sôi lăn tăn (nhiệt độ đạt khoảng 85-90 độ C), hãy thả tôm đã làm sạch vào. Đừng chờ đến lúc nước sôi mạnh mới cho tôm vào nồi. Việc luộc tôm bằng nước nóng già sẽ giúp tôm săn lại, giữ được vị ngọt, thịt không bị bở. Phần lá dứa vừa giúp khử mùi tanh của tôm, vừa giúp tôm thơm ngon một cách đặc biệt.

Tùy theo kích thước của con tôm và số lượng tôm, bạn có thể điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp. Lưu ý, lượng nước luộc phải đủ để ngập toàn bộ số tôm đã chuẩn bị như vậy thì tôm mới chín đều. Khi thấy toàn thân con tôm chuyển sang màu đỏ, thân tôm hơi con nhẹ là được. Không nên chờ đến khi tôm cong hẳn, phần đuôi chạm vào đầu tôm vì như vậy là tôm bị luộc chín quá. Luộc lâu sẽ khiến thịt tôm bị khô.

Luộc tôm cùng lá dứa sẽ mang lại hương vị đặc biệt cho món ăn.
Luộc tôm cùng lá dứa sẽ mang lại hương vị đặc biệt cho món ăn.

Tôm vớt ra cần để ráo nước trước. Nếu xếp tôm lên đĩa ngay, phần nước nóng ngấm vào trong sẽ khiến thịt tôm bị nhão, mất độ ngọt. Khi tôm đã ráo nước, hãy xếp tôm lên đĩa và bày ra dùng khi còn nóng.

  • Luộc tôm với rượu

Một cách khác giúp khử mùi tanh của tôm và làm tôm lên màu đẹp mắt hơn là sử dụng rượu.

Sau khi sơ chế sạch con tôm và để ráo nước, bạn hãy ướp tôm với một ít rượu trắng hoặc rượu nấu ăn.

Đặt nồi nước lên bếp, thêm một chút gừng, sả đập dập. Muốn tôm đậm đà hơn, hãy thêm một chút muối. Khi nước nóng già, sôi lăn tăn, hãy cho tôm vào nồi.

Thấy tôm chuyển sang màu đỏ, thân hơi cong lại là có thể tắt bếp.

Như vậy, khi luộc tôm, ngoài cách sử dụng gừng và sả để khử mùi tanh, bạn có thể thử dùng lá dứa/lá nếp. Cách này sẽ giúp tôm thơm ngon, có hương vị đặc biệt hơn.