Loại cây mọc hoang ở Việt Nam hóa "thần dược" trị ho, bồi bổ như sâm

Theo nhiều tài liệu Đông y, loại thảo dược này chủ yếu quy vào hai kinh Tỳ và Phế. Nó được biết đến với công dụng hỗ trợ điều trị ho có đờm, sốt âm ỉ về chiều và đêm, đau đầu, tiểu tiện khó, chán ăn và giúp phục hồi sức khỏe ở người suy nhược.

Cát sâm – Loại cây mọc dại quý như “vàng trong đất”, tốt cho phổi và giúp giảm ho

Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội), cát sâm là một loài cây mọc tự nhiên trong rừng, vốn ít được chú ý cho đến khi thương lái tìm mua với giá cao, từ đó giá trị của cây mới được người dân nhận ra.

Cát sâm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như sâm chèo mèo, sâm nam hay sâm trâu. Tên khoa học là Millettia speciosa Champ., thuộc họ Đậu (Fabaceae). Cây thuộc dạng thân gỗ nhỏ, dây leo, có thể dài đến vài mét. Khi còn non, cành cây được bao phủ bởi lớp lông mềm trắng; về sau cành trở nên nhẵn bóng, chuyển sang màu nâu.

Cát sâm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như sâm chèo mèo, sâm nam hay sâm trâu.
Cát sâm còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như sâm chèo mèo, sâm nam hay sâm trâu.

Loài cây này chủ yếu phân bố ở Lào, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cát sâm mọc nhiều tại các tỉnh trung du và miền núi như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Yên Bái..., thường ở độ cao dưới 1.000 mét.

Phần quý giá nhất của cát sâm là rễ, hay còn gọi là củ, được ví như “vàng trong lòng đất”. Rễ chứa hoạt chất Alcaloid, từng được thử nghiệm trên chuột và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm ho.

Theo ông Sáng, cát sâm được sử dụng trong Đông y như một vị thuốc bổ, hỗ trợ điều trị suy nhược, lao phổi, viêm phế quản mạn, nhức đầu, sốt, khát nước, tiểu khó. Một số nghiên cứu từ Trung Quốc còn chỉ ra rằng cát sâm giúp cải thiện chức năng phổi và có thể hỗ trợ điều trị ung thư phổi.

Ngoài ra, theo các tài liệu cổ, cát sâm còn có thể dùng trong điều trị di tinh ở nam giới, bạch đới ở nữ giới với liều khuyến cáo từ 10–20g, có thể tăng lên 40g nếu cần.

Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3) cho biết: phần rễ là bộ phận chính dùng làm thuốc. Thời điểm thu hái tốt nhất là vào mùa đông – xuân, khi cây đã phát triển hơn một năm. Củ nhỏ được để nguyên, củ lớn thì bổ đôi, sau đó phơi hoặc sấy khô, có thể sao vàng với nước gừng hay mật để tăng hiệu quả bảo quản và dược tính. Dược liệu cần được bảo quản nơi khô thoáng, tránh ẩm và côn trùng phá hoại. Đặc biệt, chỉ nên bào chế từng đợt nhỏ để dùng đến đâu, chế biến đến đó.

Đông y ghi nhận cát sâm quy vào hai kinh Tỳ và Phế, với tác dụng nổi bật như giảm ho có đờm, hạ sốt về chiều tối, cải thiện tiêu hóa, lợi tiểu, hỗ trợ ăn ngon, ngủ sâu và chống suy nhược cơ thể.

Một số bài thuốc hiệu quả từ cây cát sâm – vị dược liệu quý trong Đông y

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội) đã giới thiệu một số bài thuốc sử dụng cát sâm – loài thảo dược quý mọc hoang dại nhưng lại có giá trị chữa bệnh cao, đặc biệt là với các bệnh lý liên quan đến phổi và suy nhược cơ thể:

Bài thuốc trị ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm:Dùng 12g cát sâm, 12g mạch môn, 8g thiên môn và 8g vỏ rễ dâu. Sắc nước uống trong ngày, chia làm 3 lần.

Mặc dù là dược liệu lành tính, việc dùng quá liều có thể gây buồn nôn, chóng mặt.
Mặc dù là dược liệu lành tính, việc dùng quá liều có thể gây buồn nôn, chóng mặt.

Giảm sốt, nhức đầu, khát nước, bí tiểu tiện:Có thể dùng cát sâm 32g tẩm mật, sao vàng rồi sắc nước uống. Hoặc phối hợp 12g cát sâm, 12g cát căn và 4g cam thảo. Sắc và chia 3 lần uống/ngày.

Bồi bổ cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn:Sử dụng 12g cát sâm tẩm với nước gừng rồi sao vàng. Mỗi ngày dùng khoảng 32g sắc uống để tăng cường sức khỏe, chống mệt mỏi.

Lưu ý quan trọng khi dùng cát sâm:

Không sử dụng quá liều: Mặc dù là dược liệu lành tính, việc dùng quá liều có thể gây buồn nôn, chóng mặt.

Tham khảo ý kiến chuyên gia: Với những người có bệnh lý nền hoặc đang sử dụng thuốc tây, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Chỉ dùng phần củ (rễ): Theo bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3), phần thân và lá của cát sâm được ghi nhận là có độc tính và không được sử dụng làm thuốc.

Vì thế, khi sử dụng cát sâm để trị bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe, người dân nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, cách dùng và tuyệt đối không tự ý dùng các bộ phận không được chỉ định.