Công tác trọng tài tại V-League luôn gây ra nhiều tranh cãi qua từng mùa giải, chất lượng trọng tài Việt Nam đang đi ngược lại với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, những trọng tài đẳng cấp FIFA: Ngô Duy Lân, Nguyễn Mạnh Hải, Hoàng Ngọc Hà đều đã mắc sai lầm và gây ra những tranh cãi.
Giải thích về vấn đề này, Trưởng ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam (VFF) Dương Văn Hiền đề cập đến công nghệ VAR. Theo chia sẻ của ông Hiền với Thanh Niên: “V-League quá khắc nghiệt. Trong bối cảnh giải đấu chưa có VAR, dư luận sẽ tạo ra những áp lực khủng khiếp lên đội ngũ trọng tài, dù ai cũng biết họ chỉ là con người, không thể tránh được sai sót. Ban trọng tài nếu đứng ra bảo vệ thì cũng bị nói.
Ở Việt Nam áp lực đối với trọng tài rất kinh khủng. Trọng tài hễ được phân công làm nhiệm vụ ở các trận đấu có CLB Hà Nội hay HAGL đều rất áp lực. Chỉ 1 sai sót thôi sẽ bị đánh giá là bênh đội Hà Nội hay ép HAGL. Ban trọng tài đã nhiều năm yêu cầu lắp đặt VAR vì cách tốt nhất để cải thiện và nâng cao chất lượng trọng tài là sớm đưa VAR vào giải vô địch quốc gia”.
Nhưng VAR không phải là tất cả. Để sử dụng và vận hành VAR, vẫn cần đến yếu tố con người, mà ở đây bắt buộc phải có lực lượng trọng tài vừa giỏi về chuyên môn vừa giỏi về kỹ thuật. Liệu có bao nhiêu trọng tài Việt Nam đủ trình độ đề được gửi đi đào tạo trở thành trọng tài VAR?
Bên cạnh đó, đề xuất thành lập Học viện trọng tài Việt Nam nhưng chưa thể thành hiện thực. Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền nói:
Bên cạnh đó, đề xuất thành lập Học viện trọng tài Việt Nam nhưng chưa thể thành hiện thực. Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền nói: “Khó nhất vẫn là việc tìm kiếm học viên, liệu có ai sẵn sàng đăng ký làm trọng tài chuyên nghiệp như các nước phát triển Nhật Bản, Hàn Quốc? trọng tài ở các nước này nhận lương hằng tháng, mỗi trận làm nhiệm vụ lại có chi phí riêng. Trong khi đại đa số trọng tài Việt Nam đều chỉ coi nghề trọng tài là nghề tay trái. VFF chỉ trả cho trọng tài tiền nhiệm vụ từng trận. Không phải chúng tôi không nghĩ đến việc lập học viện trọng tài.
Thậm chí, Ban trọng tài từng tính đến kết hợp các trường ĐH TDTT, đưa trọng tài vào học các khóa “tu nghiệp” bồi dưỡng ngắn hạn 1 - 2 tháng kiểu học phần. Phương án đưa ra đã lâu, nhưng vướng ở chỗ đa số trọng tài làm ở cơ quan nhà nước, tranh thủ cuối tuần mới đi làm nhiệm vụ.
Muốn họ bỏ ra 1 - 2 tháng để đi học rất khó. Nếu thúc đẩy được lực lượng trọng tài theo chuyên nghiệp, họ sẽ có thể an tâm bỏ tất cả để theo nghề được. Khi đó, giữa 2 mùa giải và giữa 2 giai đoạn, chúng tôi có thể đưa các trọng tài vào học viện để tập huấn chuyên môn. Nhưng đến nay, việc thành lập học viện trọng tài vẫn chưa thể thành hiện thực”.