Ngày 6/12, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề "Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu di sản, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước. Nội dung của diễn đoàn xoay quanh nội dung việc làm kinh tế xanh, kinh tế khai thác từ di sản lẫn kinh tế số. Đây là "bộ 3 chân kiềng" nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo cùng phát triển văn hóa bền vững, nhất là đối với di sản cố đô Huế.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: "Trong 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, Huế có 6 di sản độc bản, mang nét đặc sắc riêng có, nắm giữ vị thế di sản đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Lợi thế di sản Huế còn nằm ở tính kết nối, ở cả hạng mục công trình lẫn tính liên kết, đồng nhất tạo thành một quần thể, một không gian văn hóa vừa gần gũi, vừa đa dạng, minh chứng cho những thăng trầm của thời đại. Quần thể di tích cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, đây vẫn được xem như là nơi gìn giữ, giao lưu của loại hình âm nhạc (nhã nhạc), thơ ca, kiến trúc... điều này làm Huế trở nên đặc biệt hơn nếu so với các địa phương khác.
Lợi thế này mở ra rất nhiều cơ hội để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều cho du khách, từ tham quan, thưởng thức nghệ thuật cho đến tìm hiểu lịch sử. Sự hiện diện cùng lúc của di sản vật thể và phi vật thể tạo thêm điều kiện để đưa Huế, giúp Huế phát triển nền công nghiệp văn hóa gắn với di sản thật độc đáo", ông Hoàng Việt Trung phát biểu.
Về mô hình phát triển kinh tế xanh, đó là quần thể các không gian di sản y học như Thái Y viện (nơi chăm sóc sức khỏe cho hoàng tộc triều Nguyễn), theo ông Trung, Thái Y viện sẽ không chỉ đơn thuần là biểu tượng văn hóa mà còn chứa đựng giá trị kinh tế thông qua khai thác dịch vụ y học cổ truyền.
Bên cạnh đó, chảy quanh Hoàng thành là các con sông Ngự Hà, sông Đông Ba cũng là di sản độc đáo mang giá trị lịch sử, thiên nhiên đi kèm cùng lợi thế khai thác kinh tế lớn, sẵn có và sẵn sàng. Tiền năng kinh tế trực tiếp phát triển du lịch có thể kể đến như khai thác tuor du lịch đường thủy, dịch vụ ẩm thực với việc tái hiện lịch sử, nghệ thuật biểu diễn...
Nhắc đến Huế là cần phải nhắc đến festival. Đây là cách tổ chức hiệu quả nhất để quảng bá di sản văn hóa Huế đến với bạn bè quốc tế. Với tính chất thường niên, tổ chức lâu đời, mang tính biểu tượng, loạt festival nói chung và festival Huế nói riêng đương nhiên là cơ hội kích cầu du lịch, buôn bán sản phẩm lớn nhất Huế mỗi dịp tổ chức.
Theo ông Hoàng Việt Trung, festival 4 mùa, festival chuyên đề... mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho Huế và nhiều địa phương khác. Tăng mạnh lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham gia sự kiện, điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nghệ nhân quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đồng thời xây dựng Huế trên nền tảng số là điểm đến văn hóa mang tầm vóc quốc tế.