Nhiều người quan tâm, trường hợp người dùng chưa xác thực sinh trắc học thì tiền trong tài khoản có mất hay không?
Có rút được tiền nếu chưa xác thự sinh trắc học?
Thông tư 17 và Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước quy định, từ ngày 1/1/2025, khách hàng không cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân mới sẽ bị tạm dừng hoặc hạn chế sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền và giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử như chuyển tiền online khi đã hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện.
Ngoài ra, Luật Căn cước 2023 quy định rằng giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân không gắn chip sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12, ngay cả khi vẫn còn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng cần đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip mới để tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Nếu giấy tờ tùy thân hết hạn sử dụng, người dùng sẽ bị chặn hoàn toàn các giao dịch với tài khoản, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của mình nếu chưa cập nhật giấy tờ mới với ngân hàng.
Như vậy, kể từ 1/1/2025 trở đi, nếu khách hàng chưa cập nhật sinh trắc học vẫn có thể sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch thanh toán tại máy POS.
Tuy nhiên, nếu chưa cập nhật thông tin sinh trắc học, chủ tài khoản sẽ bị tạm dừng các giao dịch trực tuyến (chuyển tiền online, thanh toán hóa đơn online…); giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến; giao dịch rút tiền bằng mã QR tại máy ATM.
Đáng chú ý, đối với giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, Hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực mà chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới, chủ tài khoản cũng sẽ bị tạm dừng giao dịch tại tất cả các kênh (quầy, trực tuyến, ATM).
Lưu ý khi tiến hành xác thực để không bị lừa đảo
Thực tế ghi nhận, có nhiều trường hợp lợi dụng việc xác thực sinh trắc học để chiếm đoạt tài sản. Có những kẻ xấu đã mạo danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng bằng hình thức gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học với các thủ đoạn và nhận diện như sau:
Đối tượng mạo danh cán bộ ngân hàng, liên hệ với khách hàng thông qua gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook... yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân và cũng có thể yêu cầu cuộc gọi video nhằm mục đích thu thập thêm khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ của khách hàng.
Đối tượng gửi và yêu cầu khách hàng truy cập đường link lạ để tải, cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên thiết bị di động. Thực tế đây là hình thức lừa đảo để khách hàng tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp nhằm khai thác thêm thông tin khách hàng.
Vì thế, để đảm bảo an toàn, quý khách nên đến trực tiếp ngân hàng để được hướng dẫn hoặc tự làm trên ứng dụng Mobile Banking nếu đã biết cách. Tuyệt đối không truy cập vào link lạ, mở tệp đính kèm trong thư điện tử của người gửi không xác định.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, bảo mật tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Khách hàng cần cảnh giác khi chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, giao dịch ngân hàng lên mạng xã hội.
Cảnh giác với các mã QR được dán/chia sẻ ở nơi công cộng/mạng xã hội/email.
Không mua bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, giấy tờ tùy thân.
Trường hợp khách hàng không có điện thoại thông minh, điện thoại không có NFC hoặc không tự cài sinh trắc học tại nhà được thì có thể đến phòng giao dịch/chi nhánh của ngân hàng để được hỗ trợ.
Khách hàng lưu ý khi đi nhớ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước.