Gừng không chỉ là gia vị không thể thiếu giúp tăng hương vị cho các món ăn mà còn là một "thần dược" tự nhiên trong y học dân gian. Một vài lát gừng trong bát canh, nồi thịt hầm hay ly trà nóng không chỉ giúp khử mùi, làm ấm cơ thể mà còn hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
Tuy nhiên, vấn đề thường gặp ở nhiều gia đình là gừng sau khi mua về để chưa lâu đã bị héo, khô hoặc thối nhũn. Đặc biệt vào những ngày trời nồm ẩm hoặc nắng nóng, nếu không được bảo quản đúng cách, củ gừng rất dễ mất đi độ tươi vốn có. Đừng lo, hai mẹo dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết triệt để vấn đề này.
1. Dùng gạo để bảo quản gừng – đơn giản mà hiệu quả bất ngờ

Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để giữ gừng luôn tươi chính là tận dụng… gạo – thứ luôn có sẵn trong mọi gia đình. Cách làm như sau:
Bước 1: Rửa sạch gừng dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và đất cát bám bên ngoài.
Bước 2: Dùng khăn sạch lau khô hoàn toàn củ gừng. Đây là bước rất quan trọng, bởi nếu gừng còn ẩm, việc bảo quản sẽ không hiệu quả.
Bước 3: Đặt gừng đã khô vào một chiếc hộp hoặc thùng gạo, vùi kỹ sao cho gừng được bao phủ hoàn toàn.
Lý do gạo có thể bảo quản gừng lâu là vì gạo có đặc tính hút ẩm nhẹ, giúp giữ cho môi trường xung quanh khô thoáng. Nhờ đó, gừng không bị mốc hay mềm nhũn. Hơn thế, tinh dầu gừng tiết ra còn giúp đuổi côn trùng, bảo vệ cả thùng gạo khỏi mối mọt – một công đôi việc.
Chỉ cần áp dụng cách này, bạn có thể giữ gừng tươi trong 4–6 tháng mà không cần đến tủ lạnh. Khi cần dùng, chỉ việc lấy ra, rửa sạch là có thể sử dụng ngay.
2. Bảo quản gừng trong đất – “trở về với thiên nhiên”
Một cách khác cũng rất hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những ai yêu thích làm vườn, đó là chôn gừng trong đất. Đây là cách "gừng trở về với cội nguồn", và rất tự nhiên.
Cách thực hiện:
Chuẩn bị một chậu cây có đất tơi xốp, hoặc mua đất trồng sẵn tại các cửa hàng cây cảnh.
Rửa sạch và lau khô gừng tương tự như cách bảo quản với gạo.
Chôn gừng xuống đất, sâu khoảng 5–7cm. Lưu ý không tưới nước trực tiếp lên gừng, chỉ nên tưới nhẹ vào đất quanh đó để duy trì độ ẩm.
Đặt chậu cây ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng gắt.
Phương pháp này giúp gừng luôn duy trì độ ẩm và tươi lâu nhờ vào chất dinh dưỡng trong đất. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng cát khô thay cho đất nếu điều kiện không cho phép. Tuy nhiên, khi bảo quản bằng đất hoặc cát, gừng sẽ chỉ giữ được độ tươi khoảng 2–3 tháng, do một phần củ có thể tiếp xúc với không khí và bị khô dần.

Gừng – không chỉ là gia vị
Gừng không chỉ có giá trị trong ẩm thực mà còn là "vị thuốc" dân gian được tin dùng từ xưa đến nay. Khi thời tiết chuyển lạnh, chỉ cần đun một bát nước gừng nóng uống sẽ giúp làm ấm cơ thể, giảm cảm lạnh, đau bụng và tăng cường sức đề kháng.
Đặc biệt, trong thời đại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng nhiều, gừng tươi càng có giá trị khi được sử dụng để cân bằng âm dương trong bữa ăn, làm sạch vị tanh của cá thịt và tạo vị cay nồng kích thích tiêu hóa.
- Không bảo quản gừng đã bị trầy xước, dập nát vì dễ sinh nấm mốc.
- Tránh để gừng ở nơi ẩm ướt hoặc gần bếp nóng.
- Nếu dùng tủ lạnh, nên bọc kín gừng bằng túi giấy hoặc khăn khô, tránh tình trạng đông đá hoặc đổ mồ hôi.