Việc quá đặt nặng thành tích đã khiến tính chất các giải đấu phong trào dần méo mó, làm cho phong trào thể thao địa phương không những không phát triển mà ngày càng đi xuống. Hệ luỵ là thể thao nước nhà càng ngày càng khó tìm kiếm được nguồn nhân lực mới dồi dào để có thể nâng tầm thể thao thành tích cao.
Thể thao phong trào luôn là bệ đỡ rất quan trọng cho thể thao thành tích cao. Đó là điều lâu nay đã được các chuyên gia, nhà quản lý thể thao nói đến rất nhiều. Và điều này lại thêm một lần được nhắc đến sau khi đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục “trắng” huy chương tại kỳ Olympic Paris 2024 vừa qua.
Tại kỳ Olympic vừa qua, đoàn thể thao Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng với tổng số 126 huy chương các loại, bao gồm 40 huy chương vàng; đoàn thể thao Nhật Bản cũng xuất sắc dành vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương với 45 huy chương các loại trong đó có 20 huy chương vàng.
Đáng nói, thể thao Mỹ gây ấn tượng khi có đến 219 VĐV đang là sinh viên hoặc cựu sinh viên các trường đại học giành được huy chương tại Olympic 2024. Còn Nhật Bản, từ lâu thông qua các bộ truyện tranh được phổ biến nhiều tại Việt Nam như Đường dẫn đến khung thành, Boxing – Đường đến võ đài, Shin Kotaro…chúng ta đã quá hiểu về sự phát triển của thể thao phong trào, thể thao học đường của nước này. Từ việc thể thao cơ sở học đường phát triển mạnh mẽ đã giúp Nhật Bản tìm kiếm được nguồn VĐV dồi dào để bổ sung vào cho các đội tuyển quốc gia, từ đó gặt hái được nhiều thành công trên các đấu trường thể thao quốc tế và Olympic.
Nhìn lại thể thao Việt Nam, sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, việc chưa thể xây dựng được một nền thể thao đại chúng đã khiến chúng ta chưa tạo ra được một nguồn lực VĐV đủ hùng hậu và chất lượng để mang đến những đột phá lớn trong các giải thể thao thành tích cao, đặc biệt là tại các kỳ Olympic hay Asiad.
Nói về thể thao đại chúng, thể thao phong trào, chúng ta thường thấy rằng việc quá chú trọng vào thành tích tại các giải đấu cấp thấp đã làm mất đi tính chất quan trọng của các giải đấu này là tìm kiếm nguồn lực cho thể thao thành tích cao. Đơn cử như báo chí thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện các VĐV đội tuyển quốc gia của chúng ta phải “gồng gánh” tham gia thêm các giải đại hội thể thao học sinh - sinh viên Đông Nam Á để “cày thành tích” sau khi đã tham gia Sea Games.
Nhìn về thể thao cơ sở, điều này cũng không phải xa lạ khi các giải đấu phong trào cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí đến cấp phường, xã cũng xảy ra tình trạng các đội “mượn” VĐV về thi đấu nhằm đạt thành tích cao bằng mọi giá.
Mới đây, tại một địa phương nọ, dư luận cũng hết sức bất ngờ khi BTC một giải đấu bóng chuyền cấp xã sẵn sàng “xé bỏ” điều lệ để tạo điều kiện cho một VĐV “không có hộ khẩu thường trú” vào thi đấu cho đội bóng quê hương của một thành viên BTC giải, bất chấp sự phản đối của các đội khác, cũng như điều lệ đã quy định rõ việc cấm VĐV địa phương ngoài vào tham gia làm ảnh hưởng đến tính chất phong trào chung.
Tại Quảng Bình, giới thể thao tỉnh này vừa qua cũng đã râm ran câu chuyện tại một giải đấu võ thuật phong trào cấp tỉnh, một đơn vị nọ đã dành đến 37 huy chương vàng để xếp nhất toàn đoàn, vượt xa số huy chương vàng của đội xếp thứ 2 là 15 huy chương vàng. Đáng chú ý, trong nhiều nội dung thi đấu quan trọng, để có thể giành huy chương vàng, đơn vị này đã “mượn” các VĐV đang ăn tập đội tuyển và hưởng lương ngân sách từ một tỉnh thành ở phía Nam.
Trước đó, tại kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh cách đây vài năm, đơn vị này cũng xếp nhất toàn đoàn với tổng số 10 huy chương vàng, vượt hơn gấp đôi đội xếp thứ 2 (4 huy chương vàng) sau khi bằng cách nào đó có thể “rút” về một vài VĐV vốn trước đó đang ăn tập tại đội tuyển của tỉnh thành phía Nam ấy về thi đấu, dù điều lệ giải quy định rằng các VĐV đội tuyển năng khiếu tỉnh, VĐV tập luyện tại các đội tuyển tỉnh thành, hay các VĐV đã từng thi đấu tại các giải quốc gia dưới 12 tháng tính từ thời điểm diễn ra Đại hội trở về trước sẽ không được thi đấu.
Kết quả vượt trội đến mức lãnh đạo Sở quản lý thể thao của địa phương đó mới đây sau khi biết chuyện cũng phải bất ngờ và tỏ ra ngạc nhiên khi biết VĐV của mình có thể về thi đấu một giải phong trào như vậy, và không hiểu vì sao Ban tổ chức giải lại chấp nhận việc đó xảy ra.
Ở một môn võ khác, câu chuyện còn “kinh dị” hơn khi một VĐV nọ đang là đương kim á quân quốc gia, từng vô địch ở nhiều giải đấu cấp quốc gia trước đó đã về tham gia thi đấu cho huyện mình tại kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh và giành huy chương vàng một cách dễ dàng vì các đối thủ đều chủ động xin thua trước khi lên sàn. Đáng nói, VĐV này cũng đang là thành viên của một đội tuyển mạnh ở phía Nam.
Tất cả câu chuyện nói trên đã cho thấy rằng ngay cả các giải đấu thể thao từ cơ sở, việc các đội đặt nặng quá nhiều vào thành tích đã vô tình tạo ra sự thiếu công bằng cho các VĐV không chuyên vốn tập luyện thể thao chỉ song hành với công việc học tập và lao động mỗi ngày.
Nói đến phát triển thể thao phong trào, các giải đấu luôn được đánh giá là có vai trò rất quan trọng để phát triển phong trào khi đây vừa là dịp để quảng bá, tạo cảm hứng trong tập luyện, và cũng là dịp để các VĐV có thể cọ xát, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, rèn giũa nâng cao khả năng. Đồng thời, thông qua các giải đấu này, các nhà quản lý thể thao có thể tìm ra các VĐV tài năng mới nhằm bổ sung VĐV cho các tuyến đội tuyển cao hơn. Thế nhưng việc quá đặt nặng thành tích đã khiến tính chất các giải phong trào dần méo mó, làm cho phong trào thể thao địa phương không những không phát triển mà ngày càng đi xuống. Hệ luỵ sâu xa là thể thao nước nhà ngày càng khó tìm kiếm được nguồn nhân lực mới để có thể đào tạo, nâng tầm, từ đó gặt hái được những thành tích cao khi ra các đấu trường châu lục và thế giới.
Lãng Phong