Góc khuất bí ẩn của thiếu phụ trong hai hoạ phẩm nổi tiếng thế giới

Khi nói đến nhiều huyền thoại về thiếu nữ trong tranh thì hoạ phẩm Mona Lisa của Leonardo Da Vinci là có nhiều lời bình luận sâu sắc nhất cả về việc sử dụng chất liệu cho đến phương pháp miêu tả nhân vật. Bức tranh Mona Lisa ở bảo tàng Louvre, Pari nước Pháp của danh hoạ thiên tài người Ý đã gây tiếng vang không những trong giới mỹ thuật mà còn tới đông đảo công chúng trên thế giới.

Gần đây, nhiều nhà khoa học tự nhiên và xã hội ở Pháp, Ý rất quan tâm đến những huyền thoại về nụ cười và đôi mắt của người đàn bà tuyệt mỹ trong tranh Mona Lisa. Người ta không chỉ lưu ý đến thẩm mỹ, nghệ thuật miêu tả cho đến màu sắc, ánh sáng, bố cục của tác phẩm mà còn cả đến cấu trúc vật chất trên gỗ của bức tranh đầy bí ẩn này. Việc phải đưa khoa học hiện đại như X quang, các thiết bị chuyên dùng nghiên cứu vật lý để thẩm định khám phá không gian ba chiều, xác định qua các tia hồng ngoại...  là nhằm tìm ra những yếu tố vật chất cấu thành bí quyết của nụ cười và cái nhìn sâu thẳm, đầy gợi cảm, rất sinh động của Mona Lisa trong tác phẩm.

anh-chup-man-hinh-2021-05-17-luc-192427-1621255423.png
 

Ở nước Pháp, người ta huy động hàng chục các nhà khoa học xã hội, vật lý, nghệ thuật học... tham gia vào công trình nghiên cứu đầy thú vị, nhằm tìm ra sự khác lạ về mặt kỹ thuật tạo hình mà hoạ sĩ sử dụng trong quá trình xây dựng tác phẩm để tạo nên nụ cười bí hiểm Mona Lisa. Cố nhiên, để diễn tả một chân dung dù đó là toàn thân hay bán thân, cuối cùng họa sĩ cũng chú ý đến khuôn mặt mà hai chi tiết cực kỳ quan trọng tạo nên cái thần của con người đó là đôi mắt và đôi môi.

Cũng như con người Mona Lisa, đôi mắt của nàng mà nhiều người nghiên cứu nói là Leonardo Da Vinci vẽ người đàn bà này ở thời điểm trẻ trung còn là "lẳng lơ", được tác giả miêu tả với khuôn mặt kiêu hãnh, có mái tóc buông xoã khác với người phụ nữ đương thời hầu như là chít khăn ở trên đầu. Nhiều nhà khoa học xã hội cho rằng Mona Lisa có nụ cười bí hiểm nhất trong các nụ cười của thế giới phụ nữ. Với khuôn mặt đầy quyến rũ, cấu trúc hình thể được bố cục trong không gian, nếu người xem chuyển động thì đôi môi của Mona Lisa cũng được thay đổi theo và cảm thấy có sự chuyển động thân thể của Mona Lisa trong mối quan hệ với con mắt sâu thẳm của nàng.

Đôi tay mềm dẻo, đặt chéo nhẹ nhàng dưới bộ ngực đầy hấp dẫn của Mona Lisa trong sự kết hợp ba bộ phận khuôn mặt, bộ ngực, đôi bàn tay thon thả được bố cục khá chặt chẽ rất tự nhiên tạo ra một không gian thực nhưng rất huyền ảo khi người xem cố ý trừu tượng hoá để tìm cái cụ thể đích thực đầy tiềm ẩn bên trong. Và như vậy người xem thấy nụ cười của Mona Lisa thoảng qua di động và cứ như thế người xem tranh ở vị trí nào cũng thấy thiếu phụ cười với mình, một nụ cười thật bí hiểm đến lạ thường.

Chính đó là nghệ thuật thiên tài Leonardo Da Vinci có một mà chưa có hai trong lịch sử vẽ chân dung thiếu nữ của các danh hoạ thế giới. Những câu chuyện thấy người thật trong tranh nghe như là thần thoại, nhưng bây giờ khoa học tâm linh ra đời, người ta cho đó là một hiện tượng được khám phá.

Nhiều giai thoại truyền lại ở Bảo tàng Louvre Paris Pháp, có người phụ nữ khi xem tranh Mona Lisa hoảng hốt bỏ chạy, người ta hỏi chị sao thế "... tôi như thấy Mona Lisa vừa cười vừa đi lại gần tôi, sợ quá!" Những câu chuyện tương tự như vậy lâu lâu lại xảy ra ở những người có tần số giao cảm mà khoa học tâm linh lý giải, đó là trường sinh học của con người về khả năng nhìn thẩm thấu và nghe thẩm thấu, có thể là linh hồn của Mona Lisa, theo cùng bức tranh chăng? Hay đó cũng chỉ là một giả thuyết về sức truyền cảm sinh động mà hoạ phẩm thiên kiệt tác của Leonardo da vinci đem lại cho người xem tranh.

Lại có ý kiến cho rằng sở dĩ bức chân dung Mona Lisa không có lông mày vì khi vẽ, tác giả thấy người mẫu đẹp quá nên quên không vẽ lông mày. Điều đó là không đúng, sau khi vẽ bức chân dung Mona Lisa, Leonardo Da Vinci đi đâu cũng mang theo bức tranh đó để ngắm và lưu giữ bên mình. Vì thế, nếu thấy những khiếm khuyết của tác phẩm, Leonardo Da Vinci sẽ dành thời gian để chỉnh sửa. Một vấn đề nữa, rất nhiều tranh của hoạ sĩ vẽ về thiếu nữ cũng không rõ lông mày như bức tranh "Đức mẹ Madonna cầm hoa", "Phụ nữ với con chồn",... nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng có lẽ thời phục hưng ở một số vùng ở Châu Âu, thiếu nữ thường trang điểm bằng cách tỉa lông mày,...

Nghiên cứu về xuất xứ ra đời tác phẩm nổi tiếng của Leonardo Da Vinci vẽ trên gỗ chân dung một thiếu phụ ở thành phố Frolence tên là Mona Lisa, người này là vợ của ông Francisco del Giocondo và là một thiếu phụ mà người xem tranh tưởng như là thiếu nữ. Tài năng miêu tả của Leonardo Da Vinci là ở chỗ tạo ra được sức hấp dẫn về hình thể gợi cảm của thiếu nữ và có sự sâu thẳm đã từng trải, tình tứ, đoan trang của một thiếu phụ, làm cho nhân vật chính của tác phẩm rất hoàn hảo từ một thiếu phụ thành thiếu nữ đầy kiêu hãnh. Vì thế mà vẽ xong chân dung Mona Lisa, Leonardo da vinci thấy đẹp quá và ông không bán tác phẩm này cho vợ chồng Mona Lisa.

Bức tranh Mona Lisa được nhà vua Prancois mua với giá 15kg vàng khoảng 800.000 Franc, ngày nay tương ứng với 200 triệu đồng Euro, song trong thực tế nó là vô giá vì hoạ phẩm đó độc nhất vô nhị.

Tác phẩm Mona Lisa của danh hoạ thiên tài Leonardo Da Vinci được lưu giữ tại bảo tàng Louvre ở Paris nước Pháp từ nhiều thế kỷ nay hầu như không có gì thay đổi cả về màu sắc đến ánh sáng tạo hình của bức tranh.

Bức tranh Mona Lisa nổi tiếng này được bảo tàng Louvre bảo vệ rất nghiêm ngặt, thế nhưng vào ngày 21/8/1911, bức tranh đã bị một họa sĩ làm việc tại bảo tàng Louvre lấy cắp, đưa sang Mỹ cho đến tận hai năm sau ngày 20/12/1913 mới được tìm thấy và đưa lại vào bảo tàng. Từ đó  bức tranh người thiếu phụ Mona Lisa càng được bảo vệ cẩn thận hơn và tiếng vọng của tác phẩm cũng được vang xa tới nhiều người trên thế giới quan tâm ngưỡng mộ.

Leonardo Da Vinci sinh ngày 15/4/1452, là con của một gia đình khá giả ở Vinel Florentine Italia và mất ngày 2/5/1519 ở tuổi 67. Theo truyền thuyết, Leonardo Da Vinci mất trong lúc vua Francois đang bên cạnh ông và mộ ông đặt ở nhà thờ Florentine. Có thể nói Leonardo Da Vinci là một thiên tài bách khoa có một không hai của nhân loại, ông vừa là nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà toán học, nhà giải phẫu học, âm nhạc, kỹ sư kiến trúc, là một danh hoạ bậc thầy của bậc thầy mà hoạ phẩm Mona Lisa là một minh chứng toả sáng, một di sản văn hoá quý hiếm của nhân loại. Hàng năm bình quân có 5 triệu lượt người đến xem bức tranh này tại bảo tàng Louvre, Paris.

Người ta đã thống kê có khoảng hơn 200 bức tranh Mona Lisa giả, riêng cựu Thủ tướng Anh Thacher có 4 bức. Bà Thacher đã phải nói là: "Tôi rất thích Mona Lisa nhưng chỉ có một bức thật nên đành phải thưởng thức của giả vậy". Để vẽ một chân dung có sức truyền cảm đến đỉnh cao của thẩm mỹ mà ai cũng cảm thụ được, mới biết tài năng của Leonardo Da Vinci đến mức nào.

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, các danh hoạ đã để lại cho nhân loại hàng ngàn kiệt tác, nổi tiếng còn lưu danh trong đời sống nhân dân, phản ảnh một cách sinh động, sâu sắc về tự nhiên cũng như sự vận động của con người trong xã hội. Có thể nói những tác phẩm hội hoạ đó, ngày nay đã trở thành di sản văn hoá vừa mang tính vật thể và vừa phi vật thể vô giá của nhân loại. Ngoài những tác phẩm như tĩnh vật, phong cảnh, tranh sinh hoạt, chân dung và nhất là tranh chân dung thiếu nữ đã gây dấu ấn đối với người yêu nghệ thuật hội hoạ thế giới. Nhiều tác phẩm thiếu nữ, thiếu phụ của các danh hoạ như: David, Bouches, Leonardo Da Vinci, Picasso, … Kramskoi đã nổi tiếng với hoạ phẩm “Người đàn bà xa lạ”, một kiệt tác gây xôn xao dư luận trong công chúng.

Cho đến nay, người mẫu “Người đàn bà xa lạ” còn là một bí ẩn và có nhiều lời bàn cãi khác nhau về bối cảnh ra đời và nhân vật chính của tác phẩm. Có giai thoại cho rằng hoạ sĩ tài ba chuyên vẽ tranh tôn giáo Kramskoi này đã gặp và tỏ lòng say mê sắc đẹp của cô thôn nữ Matriona Savvisna trong một chuyến đi thực tế sáng tác tranh ở nông thôn. Với sắc đẹp đầy quyến rũ, yêu kiều của người phụ nữ ấy mà Kramskoi đã dành khá nhiều sức lực, tài năng để thể hiện cho được cái thần duyên dáng và đôn hậu với hình thể cân đối trong một bố cục sinh động khá hoàn hảo mà cho đến ngày nay người ta khó tìm ra những khiếm khuyết của nghệ thuật biểu cảm nhân vật.

Trong các bức họa chân dung của nhiều họa sĩ thế giới miêu tả thần thái, khuôn mặt thì mỗi họa sĩ miêu tả mỗi kiểu. Có họa sĩ phải lấy toàn thân để lột tả cái hồn bên trong, có họa sĩ chỉ vẽ khuôn mặt, bộ ngực, đôi bàn tay để diễn đạt sức hấp dẫn của người con gái, lại có họa sĩ đi sâu vào đôi mắt, đôi môi và cái nhìn chủ định của thiếu nữ để diễn tả tâm trạng như "Người đàn bà xa lạ" là một ví dụ. Cách đặt vấn đề cho nội dung thể hiện của tác giả về chân dung "người đàn bà xa lạ" là ở khuôn mặt, đôi mắt, đôi môi là chủ yếu, mà không đi sâu miêu tả hình dáng tổng thể của con người nhưng người xem vẫn cảm nhận được cốt cách của người đàn bà trong tranh.

Câu chuyện đời còn lưu lại số là do hoàn cảnh éo le của cặp tình nhân giữa Matriona Savvinsna với chàng trai nhà giàu có ở cùng quê không thành, nên cô phải ra đi và chính thời điểm ấy hoạ sĩ tài ba Kramskoi đã miêu tả chân dung người đàn bà này trong một tâm trạng không bình thường. Những câu chuyện kể về “người đàn bà xa lạ” trong thực tế là một cô gái hầu, giúp việc cho nhà giàu quyền quý ở trang trại, song qua cách thức miêu tả của tác giả thì người đàn bà đó lại thành một cô gái kiều diễm trong một nhà quyền quý, giầu sang. Như vậy nhiều phỏng đoán cô gái trong tranh là có thể không có trong thực tế.

Ở nước Nga, nhiều danh hoạ nổi tiếng thời bấy giờ như Rebin một danh hoạ bậc thầy là học trò của Kramskoi lại cho rằng đây là một chân dung sáng tác theo cảm xúc trên cơ sở khái quát phương pháp luận logic người đàn bà đẹp bất kỳ nào đó trong xã hội đương đại. Cho đến bây giờ kiệt tác “Người đàn bà xa lạ” vẫn là một bí ẩn giữa chân dung người thực và chân dung sáng tạo của hoạ sĩ Kramskoi. Dù sao, những quan niệm, quan điểm bình luận thế nào thì bức tranh “Người đàn bà xa lạ” vẫn là một tác phẩm có sức thuyết phục người xem thẩm thấu về nghệ thuật nhưng không có lời kết, kể cả về thư pháp miêu tả về chân dung kiều diễm, mỹ lệ đầy sức hấp dẫn ấy.

anh-chup-man-hinh-2021-05-17-luc-192432-1621255423.png
 

Bức tranh “Người đàn bà xa lạ” được hoạ sĩ miêu tả rất công phu cả về không gian, thời gian, màu sắc cho đến cách thức bố cục. Qua nhiều giai thoại về bức tranh đó người ta nói về xuất xứ của chân dung người mẫu, chắc chắn đây là một thiếu phụ không phải là thiếu nữ. Tuy nhiên, cách miêu tả người đàn bà này của hoạ sĩ, làm cho người xem cảm thụ được nhan sắc cốt cách đó là một cô gái ở tuổi đôi mươi bởi cấu trúc khuôn mặt rất trẻ trung, với cách nhìn sự vật xung quanh có chủ định, tự tin, vừa sâu lắng, vừa kiêu hãnh, thoáng qua của đôi mắt nâu tròn, tình tứ.

Trong thực tế các văn nghệ sĩ thường lướt qua tuổi tác để tìm đến đích thực của cái đẹp của người thiếu nữ là ở chỗ khái quát hóa hình thể người phụ nữ thành tụ điểm đặc trưng cái đẹp duy nhất là thiếu nữ. Nhiều họa sĩ vẽ thiếu phụ nhưng người ta cũng bỏ qua tuổi tác để cắt gọt những nhược điểm cứng cỏi của dung nhan, hình thể thiếu phụ đưa vào khuôn mẫu tuổi đôi mươi nhưng sắc thái tâm hồn người đàn bà ấy, người xem vẫn cảm thụ đó là thiếu nữ. Cách miêu tả như thế là biểu hiện tính ước lệ và cách tìm mẫu số chung cho việc hoàn thiện cái đẹp của người thiếu phụ thành thiếu nữ là ở chỗ lý tưởng hóa cái đẹp của tạo hóa người đàn bà theo quy luật giải phẫu mà các họa sĩ thường làm.

Như vậy Kramskoi cũng không ngoại lệ cho việc miêu tả thiếu nữ người mà ông đã chọn sẵn trong tư duy tạo hình biểu đạt người thiếu nữ đẹp thay cho người thiếu phụ bất chấp đó có tuổi tác vượt trội, đáp ứng thẩm mỹ cho người xem tranh. Từ trên cao cỗ xe ngựa mui trần nhìn xuống, “người đàn bà xa lạ” được Kramskoi tìm góc độ tạo nên cấu trúc khuôn mặt hợp lý, đầy đặn, thanh thoát, trên đầu nàng đội mũ mềm (Fransisk), có gắn lông chim, tạo thế cho chân dung “người đàn bà” có sắc thái quý phái, kiều diễm. Dưới ánh sáng yếu ớt của mùa đông lạnh giá ở nước Nga, để lộ đôi vai tròn khoác bộ áo lông, với bộ găng tay da mỏng màu đen càng tô điểm cho tính lộng lẫy của người phụ nữ giàu tố chất đa đoan này.

Khác với Molisa của Leonardo Da Vinci, “người đàn bà xa lạ” không có nụ cười bí hiểm, sâu thẳm… mà người xem “người đàn bà xa lạ” có đôi môi quyến rũ nhưng “vô định” tạo nên tính hài hoà giữa tình cảm với cấu trúc khuôn mặt khi cỗ xe ngựa lốc cốc chạy trên đường trong buổi sáng giã từ quê hương đầy luyến nhớ mà người phụ nữ phải ra đi với cuộc chuyện tình trắc trở nhân duyên. Thời điểm miêu tả của danh hoạ nổi tiếng người Nga Kramskoi đối với người phụ nữ là tổng hoà của ba yếu tố không gian yên ả, thời gian vào buổi sáng lạnh giá, nắng nhẹ tuyết đang tan và con người, cỗ xe ngựa chuyển động trong tâm trạng bâng khuâng man mác.

Bức tranh “Người đàn bà xa lạ” ra đời cách đây hàng thế kỷ qua, song cho đến nay cũng không ít lời bàn xuôi, nói ngược trong dân gian về sự nhạy cảm trong tâm thức giữa giá trị nghệ thuật với sự truyền cảm "may rủi" của người sử dụng tranh. Ấy là đã xảy ra nhiều chuyện oái oăm gây dư luận chẳng lành cho người bán tranh, tặng tranh và cả người chơi tranh. Thông thường đến ngày sinh nhật, tân gia, ngày tân hôn, ngày Tết, nhiều bạn trẻ mua tranh để tặng nhau trong đó có “Người đàn bà xa lạ” nhưng không may sau một thời gian treo tranh trong nhà nhiều cặp vợ chồng lại trắc trở nhân duyên rồi mỗi người một nẻo. Đây có phải là ngẫu nhiên, trùng hợp hay có gì phía sau bí ẩn, thầm kín ở thế giới huyền bí tâm linh?

Khác với bức tranh Mona Lisa của Leonardo De Vinci có nụ cười bí hiểm và đôi mắt đa tình lẳng lơ song cũng chẳng có chuyện gì xảy ra tương tự trong đời sống nhân gian. Có người cho rằng “Người đàn bà xa lạ” có đôi mắt vừa tình lại vừa sắc, không lẳng lơ nhưng có cái nhìn khêu gợi, đôi môi cũng vô định kiêu hãnh, duyên thầm hay là đanh đá, thật khó hiểu. Có ý kiến của đám mày râu, ở cặp tình nhân ấy bị ám ảnh bởi sắc đẹp của nàng trong tranh hơn hẳn vợ mình nên giãn ra tìm cái đẹp mới.

Những lời bình dân gian ấy cũng là lời bàn không có cơ sở khoa học nào lý giải cả mà do cảm nhận một vài sự việc xảy ra ngẫu nhiên, dẫn đến mặc cảm cho rằng treo tranh đó là “đen”. Cũng từ những quan niệm "hẹp hòi" trong tình cảm vợ chồng mà biến "Người đàn bà xa lạ" là nguyên nhân của việc treo tranh lên rồi lôi tranh xuống gây lộn xộn trong tình cảm gia đình. Dù sao chăng nữa sự thành công của bức tranh là ở chỗ, người đời phải ghen lên vì nhân vật thiếu nữ trong tranh “Người đàn bà xa lạ” đang có sức truyền cảm thẩm mỹ nghệ thuật cho con người đến kỳ lạ.                                              

“Người đàn bà xa lạ” là tác phẩm hội hoạ vẽ bằng chất liệu sơn dầu của hoạ sĩ nổi tiếng người Nga Ivan Nikolaevich Kramskoi và đã hoàn thành vào năm 1883. Kramskoi sinh ngày 8/6/1837 và mất ngày 6/4/1887, là một hoạ sĩ nổi tiếng vẽ tranh chân dung như “Những nàng tiên cá” năm 1871, “Chúa Kito trên hoang mạc” năm 1872, “Người đàn bà xa lạ” năm 1883, chân dung tự hoạ năm 1867 và hàng ngàn bức hoạ có giá trị khác còn lưu giữ ở Nga và nhiều nước trên thế giới.

Kramskoi là một người hoạt động xã hội và là nghệ sĩ tiêu biểu cho việc đấu tranh giữ gìn nền văn hoá và nghệ thuật hội hoạ Nga. Ông đã có nhiều bài viết và nói về giữ gìn sắc thái mỹ thuật Nga, không phụ thuộc vào lối vẽ của một số nước như Italia, Pháp, … Chính vì thế mà công chúng Nga và ngay cả những người cùng giới cũng rất tôn trọng nhân cách và những tác phẩm của Kramskoi. Tác phẩm hội hoạ “Người đàn bà xa lạ” hơn một thế kỷ qua và cho đến ngày nay, chắc chắn mãi mãi sau này vẫn đi cùng năm tháng với người yêu quý hội hoạ, một kiệt tác của nhân loại.

Hoàng Hoa Mai

Điện thoại: 0919641935

 Địa chỉ: Số 5, đường 5, F361 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội