Dù tốt bụng đến đâu cũng không được cho 3 người này vay tiền: Cẩn thận tai họa

Khi cho người khác vay tiền, bạn lưu ý rằng nếu đối phương là một trong ba kiểu người dưới đây thì nên từ chối.

Trong cuộc sống, ai cũng có lúc khó khăn cần được giúp đỡ, chúng ta cũng được nhắc nhở là nên giúp đỡ mọi người, đề cao tinh thần tương thân tương ái. Tuy nhiên, không phải lúc nào lòng tốt cũng mang lại kết quả tích cực. Có những hoàn cảnh cần được sẻ chia, nhưng cũng có những trường hợp, việc cho đi thiếu suy xét lại khiến cả người cho lẫn người nhận rơi vào tình thế khó xử. Nói chung, có những người không đáng được giúp đỡ.

Giúp người nghèo khó, đừng giúp người lười biếng

Người xưa có câu: “Giúp người nghèo chứ đừng giúp người lười”. Câu nói này ngẫm nghĩ lại rất sâu sắc. Nghèo đói không phải là cái tội. Một số người dù làm việc vất vả, chịu thương chịu khó nhưng do ốm đau bệnh tật, chữa trị hết nhiều nên lúc nào cũng túng bấn chẳng hạn, thì kiểu người này rất đáng được thông cảm và giúp đỡ. Thế nhưng không ít những người nghèo do lười. Kiểu người này không chịu làm việc, ỷ lại, không chịu cố gắng nên dễ rơi vào cảnh khốn cùng mà không thoát ra được.

Nói chung một người khỏe mạnh mà ngại lao động, ngồi chờ sự giúp đỡ từ người khác thì việc bạn cho họ vay tiền không khác gì đang tiếp tay cho sự trì trệ. Họ sẽ quen thói ăn sẵn, chẳng muốn làm gì nữa. Trong những trường hợp như vậy, việc từ chối cho vay không phải là nhẫn tâm, mà là cách khiến họ buộc phải đối diện với thực tế và thay đổi để sống có trách nhiệm hơn với chính mình.

Giúp người nghèo khó, đừng giúp người lười biếng
Giúp người nghèo khó, đừng giúp người lười biếng

Người thân nhưng không đáng tin

Nhiều người cho rằng, người thân là máu mủ ruột rà thì nên giúp đỡ nhau, nhất là khi họ gặp khó khăn. Thế nhưng thực tế đã chứng minh, nhiều người thân vì đồng tiền mà hóa thành kẻ thù, không muốn nhìn mặt nhau, gần như tuyệt giao quan hệ. Mất tiền mất cả tình thân.

Cho người thân mượn tiền, mà nếu nhắc đến chuyện nợ nần thì bị trách ngược là “tính toán với anh em”. Càng nguy hiểm hơn nếu đó là người đã nhiều lần thất hứa, không giữ lời, tiêu xài hoang phí. Bởi thế ngay cả là người thân, việc giữ khoảng cách với tiền bạc là điều cần thiết để bảo vệ cả tài chính lẫn tình cảm lâu dài.

Người thân nhưng không đáng tin đừng cho vay
Người thân nhưng không đáng tin đừng cho vay

Người bặt vô âm tín đột ngột liên hệ vay tiền

Có một kiểu vay tiền khá phổ biến rất nhiều người từng gặp: một người bạn cũ, bặt vô âm tín nhiều năm, đột ngột liên lạc, nói vài ba câu chuyện và mượn tiền. Nói chung với những tình huống như thế, hãy từ chối thẳng thắn, không cần ngại.

Bạn phải tự hỏi: nếu không có khó khăn, người ấy có nhớ đến bạn không? Trong những năm qua, họ đã từng giữ liên lạc, chia sẻ gì với bạn chưa? Nếu câu trả lời là không, thì chỉ có thể bạn là phương án cuối cùng họ nghĩ tới khi không thể vay ai thêm được nữa.

Thực tế cho thấy, những khoản vay kiểu này gần như không bao giờ đòi lại được. Bạn không biết rõ tình trạng hiện tại của họ ra sao, liên lạc cũng không dễ, và nếu mất liên lạc thì gần như không còn cách nào lấy lại số tiền đã cho vay. Nếu không muốn mất tiền oan thì tốt nhất cứ từ chối thẳng.