Dù là một mảnh đất tiềm năng nhưng phim điện ảnh không phải là cuộc chơi của tất cả mọi người. Trên thực tế, rất nhiều dự án đã vấp phải thất bại ngay từ khi mới lên sóng. Nội dung kịch bản hời hợt, khó phát triển, khán giả không mặn mà, yêu thích nhân vật… đã khiến cho những bộ phim này đi vào ngõ cụt. Hay một số tác phẩm khá lại cố ăn theo những sản phẩm ăn khách, một lối mòn hoặc cố tình giật tít câu view để hút khách.
“Võ sinh đại chiến” là phim với kinh phí đầu tư 25 tỉ đồng nhưng ra rạp chỉ vỏn vẹn 6 ngày với doanh thu chưa đầy 1,4 tỉ đồng. Nhận xét về điều này, nhà sản xuất (NSX) cho rằng phim thất bại là do không được cụm rạp xếp cho nhiều suất chiếu hoặc chỉ được xếp vào các giờ chiếu xấu. “Người cần quên phải nhớ” là phim được “bảo chứng” bởi Đức Thịnh, Charlie Nguyễn, Thái Hoà, Hoàng Yến Chibi nhưng vẫn thất bại nặng nề với doanh thu vỏn vẹn 1,9 tỉ đồng bởi phim có lối kể chuyện lê thê, không thu hút người xem. “Sám hối” bị nhiều lời chê vì nội dung kịch bản không thật sự ấn tượng mặc dù được NSX công bố đầu tư 50 tỉ đồng, cái kết doanh thu khoảng 1 tỉ đồng.
Gần đây, phim Việt thắng lớn có thể kể đến như: “Bố già” hơn 400 tỉ đồng, “Tiệc trăng máu” - 175 tỉ đồng, “Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử” - 100 tỉ đồng,… Tuy nhiên, nhìn chung lại vẫn không có quá nhiều phim đạt được hiệu quả phòng vé để thật sự thu hút dư luận. Có thể nói, với chất lượng tạm bợ chưa ổn định như vậy, việc mong muốn điện ảnh Việt giữ được lượng người xem ổn định trên mạng đã khó huống hồ bàn tính đến câu chuyện tương lai xa xôi!
Bản chất của điện ảnh là nghệ thuật, là trí tuệ, là bộ môn mang tính chất đại chúng. Nhưng từ lâu, chúng ta hiếm bắt gặp một bộ phim đúng nghĩa của nó.
Đại tá Trần Tử Văn, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công an TP Hồ Chí Minh từng chia sẻ với báo giới: “Làm gì có chất lượng khi một tập 45 hoặc 60 phút chỉ quay trong hai, ba ngày? Làm gì có nghệ thuật khi câu chuyện được rê dắt tập này chẳng ăn nhập gì tập kia. Làm sao không lãng phí khi một bộ phim chiếu qua một lần rồi vất vào xó xỉnh nào đó. Thời nay, hầu như các nhà làm phim chỉ muốn tung ra thị trường một sản phẩm hàng hóa chứ không muốn có một tác phẩm nghệ thuật.”
Đã từ lâu, người ra xét đến thành công của bộ phim dựa vào yếu tố hút khách, dựa vào doanh thu được. Cũng đã rất lâu, nền điện ảnh Việt không có thêm những “Chị Dậu”, “Mùa gió chướng”, “Xóm nước đen”… Không có những vai để đời tôn vinh những Trà Giang, Thế Anh, Lý Huỳnh, Nguyễn Chánh Tín… Không có những đạo diễn đi vào lòng công chúng như Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng Hoa, Hồng Sến…
Từ đó có thể thấy, muốn được khán giả công nhận và đạt được thành công, trước hết cần nhận bỏ cái tâm để làm sản phẩm. Một sản phẩm hay không sợ không được được ủng hộ, không có tương lai phát triển. Hy vọng các nhà làm phim trong tương lai, dù làm sản phẩm chiếu rạp, truyền hình hay webdrama, đều đặt hai chữ “chất lượng” lên hàng đầu, góp một phần công sức giúp làng phim ảnh Việt phát triển lên một tầm cao mới.
Điện ảnh cũng là một bộ phận của nền văn hóa. Khán giả nói chung, giới yêu nghệ thuật nói riêng đang rất kỳ vọng những sự bứt phá của những bộ phim thuần Việt: thuần từ kịch bản, cảnh quay cho đến dàn diễn viên. Để một ngày không xa, điện ảnh Việt có thể tự hào “mang chuông đi đánh xứ Người”. Để làm được điều đó, cần rất nhiều động lực và khuyến khích từ khán giả. Không phải điều gì xa xôi, những đổi khác cần xây nền từ ngay bây giờ. Nói như ngành giáo dục: Bây giờ mà không củng cố thì đợi đến bao giờ?