Theo tìm hiểu, những mâm cỗ với thế "gà bay”, "gà quỳ”, "gà cưỡi mình rùa" được bày biện hết sức cầu kỳ, đẹp mắt thường được dâng cúng tổ tiên vào dịp rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 đã trở thành thông lệ đối với nhiều gia đình, dòng họ tại xã Thạch Châu và một số địa phương ở Lộc Hà.
Anh Lê Văn Quý - một người con của dòng họ cho biết, dòng họ thường tổ chức thi chồng cỗ cao với nhiều mâm cỗ công phu. Để có được mâm cỗ cao 7 tầng với những chú gà tạo thế cặp giò thẳng đứng, đôi cánh vươn bay trên cành trúc như thế này, cha con anh phải dậy từ 4h sáng để làm cho kịp giờ hành lễ tối nay.
Với mâm cỗ cúng thì gà vẫn là hạng mục quan trọng nhất. Để hoàn thành được một con gà thế đứng, quỳ, bay… đáp ứng đúng tiêu chí phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ và không phải ai cũng làm được.
Theo chia sẻ của những người có thâm niên làm gà cúng trong gia tộc thì gà chọn làm cỗ “gà bay” phải được lựa chọn kỹ càng. Gà được tìm mua khắp các địa phương trong tỉnh, thậm chí phải đặt tận Nghệ An, Thanh Hóa trước cả tháng trời, gà già đẹp mã với trọng lượng khoảng 4 đến 6 kg.
Chọn mua gà không phải dễ, phải là người thông thạo để nhìn con gà còn sống là biết được khi tạo thế có đẹp hay không. Khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Sau khi làm sạch, gà được tạo thế bay, quỳ, đứng, ngồi… với sự hỗ trợ của dây thép, lạt giang.