Cơn đau đầu của Nagelsman: Số 9 "ảo" hay số 9 thật?

Nicklas Fullkrug vừa trải qua một mùa giải tương đối thành công về mặt cá nhân, anh ghi được 15 bàn thắng và có 11 đường chuyền thành bàn, đưa Dortmund trở lại trận chung kết Champions League sau 11 năm. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong đó có cả Toni Kroos, Fullkrug rất giống mẫu tiền đạo mục tiêu cổ điển của Đức: mạnh mẽ, biết cách chọn vị trí và dứt điểm tốt. Một "số 9" theo đúng những gì người ta từng mô tả về vị trí này.

Nicklas Fullkrug và Kai Havertz sẽ là những niềm hy vọng trên hàng công tuyển Đức.

Kai Havertz thì khác, cầu thủ sinh năm 1999 là "kẻ ngoại đạo" khi vốn xuất thân từ vị trí tiền vệ tấn công. Dứt điểm không phải là thứ để người ta nhắc về Havertz, chính khả năng tranh chấp, tư duy chơi bóng thông minh, khả năng xử lý bóng trong không gian hẹp, cùng việc kết nối tốt với đồng đội xung quanh mới là điểm mạnh của cầu thủ này.

Từ Chelsea đến Arsenal, Havertz được chuyển sang chơi vị trí số 9 "ảo" nhằm tạo ra một điểm luân chuyển bóng ở tuyến đầu hàng công, giúp tăng khả năng kiểm soát bóng và tạo ra nhiều miếng đánh vỗ mặt. Thực tế cho thấy, Havertz cũng rất hiệu quả mùa vừa rồi, tiền đạo này cũng ghi được 13 bàn cho Arsenal.

Hai mẫu tiền đạo với hai phong cách chơi khác nhau đem đến đôi chút phân vân cho Julian Nagelsman, Tuy vậy, có vẻ ông đã tìm được đáp án cho mình. Trong 4 trận giao hữu gần nhất của tuyển Đức, Kai Havertz đều được tin tưởng trao ấn lĩnh xướng hàng công. Hỗ trợ phía sau anh là bộ ba Ilkay Guendogan, Jamal Musiala và Florian Wirtz, cũng đều là những bậc thầy về kiểm soát, luân chuyển bóng.

Havertz vừa trải qua mùa giải đầu tiên trong màu áo Arsenal ở vai trò số 9 "ảo".

Ý đồ của Nagelsman rất rõ, ông muốn Cỗ xe tăng chơi kiểm soát và đá áp đặt ngay trên phần sân đối thủ. Nicklas Fullkrug với khả năng rình rập, đánh hơi bàn thắng cũng như càn lướt rất tốt, nhiều khả năng sẽ là phương án dự phòng trong trường hợp hàng công Đức bế tắc.

Đây không phải là điều gì quá mới mẻ, bởi trước Kai Havertz, trong 3 giải đấu lớn gần nhất là World Cup 2018, EURO 2020 và World Cup 2022, Đức cũng từng sử dụng 3 trung phong khác nhau là Timo Werner, Serge Gnabry và Thomas Muller. Tất cả đều không phải mẫu trung phong cổ điển kiểu Đức, Werner chơi khá rộng và có thể dạt biên, Gnabry tương tự vậy. Trong khi Thomas Muller không thường xuyên chơi ở vị trí số 9, mà chỉ đá hộ công là chủ yếu.

(Bạn đọc: Vương Ngọc)