Nhiều người có thói quen lộn trái quần áo rồi mới đem phơi. Khi quần áo khô thì lộn lại rồi mới cất đi. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng không nên lộn trái quần áo rồi phơi vì việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người sử dụng.
Có nên lộn trái quần áo trước khi phơi?
Nhiều người cho rằng lộn trái quần áo trước khi phơi sẽ giúp chúng khô nhanh hơn. Ánh nắng mặt trời sẽ giúp làm khô các lớp vải bên trong, giúp quần áo khô nhanh hơn so khi phơi quần áo theo mặt ngoài.
Ngoài ra, mặt trái của quần áo là nơi tiếp xúc trực tiếp với da, tích tụ nhiều vi khuẩn, dầu nhờn từ cơ thể, các tế bào chết, vi khuẩn, nấm. Việc lộn trái quần áo khi giặt sẽ giúp loại bỏ các chất bẩn này hiệu quả hơn.
Một ưu điểm khác của việc lộn trái quần áo khi giặt là giúp tăng độ bền cho sản phẩm. Đặc biệt, các loại quần áo jeans được lộn trái khi giặt sẽ tránh được tình trạng bị xước vải do cọ xát với các khóa kéo, cúc kim loại ở các bộ quần áo khác. Ngoài ra, lộn trái cũng giúp bảo vệ các hình in, hình thêu trên sản phẩm.
Việc lộn trái quần áo khi giặt không ngăn hòa toàn tình trạng vải bị bạc màu. Tuy nhiên, nó cũng sẽ giúp làm chậm quá trình này. Nhờ đó, quần áo sẽ bền đẹp trong thời gian dài hơn. Việc lộn trái quần áo khi phơi, dù phơi trong nhà hay ngoài trời đều có khả năng chống phai màu, giúp đồ nhanh khô, giảm tích điện.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc lộn trái quần áo khi phơi cũng có nhược điểm là làm mặt trong của trang phục dễ bám bụi bẩn, nhiễm vi khuẩn... Côn trùng có thể bám vào quần áo, thậm chí đẻ trứng trên đó. Mặt này tiếp xúc trực tiếp với da, có thể gây ra nhiều vấn đề về da. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người có làn da nhạy cảm, đối với trẻ em có làn da mỏng manh, gây ra vấn đề ngứa ngáy, rôm sảy.

Các chất bẩn bám trên quần áo cũng có thể gây ra các bệnh hô hấp, làm các bệnh có sẵn trở nên nghiêm trọng hơn.
Việc có cần lộn trái quần áo khi giặt và khi phơi cần được cân nhắc kỹ. Với những trang phục dính nhiều vết bẩn như bùn đất, dầu mỡ... bạn không nên lộn trái để giặt vì như vậy việc làm sạch vết bẩn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Với quần áo của trẻ sơ sinh, quần áo làm vườn, làm việc nặng, đồ dính bùn đất, nên giặt đúng chiều.
Khi phơi, nên hạn chế lộn trái quần áo để bụi bẩn, côn trùng không thể bám vào mặt trong của trang phục. Tuy nhiên, nếu quần áo làm tự lụa, len, đồ cotton, cashmere, denim dễ phai màu, lộn mặt trái ra phơi là một cách làm chậm quá trình phai màu. Không nên phơi quần áo làm bằng các chất liệu này dưới nắng gắt. Nhiệt độ cao có thể khiến chúng bị bạc màu. Tốt nhất nên phơi ở nơi thoáng gió cho khô. Trường hợp lộn trái quần áo để phơi, hãy giữ qua 1-2 lần để loại bỏ bụi bẩn rồi mới cất đi.
Với những quần áo dày, có nhiều lớp, nhiều túi, bạn có thể lộn trái ra phơi để đảm bảo mặt trong của quần áo được khô ráo. Có thể lộn lại mặt phải của quần áo để phơi tiếp, đảm bảo trang phục khô hoàn toàn trước khi cất.
Như vậy, bạn có thể cân nhắc tùy trong từng trường hợp để biết có nên lộn trái quần áo khi giặt và khi phơi không.
Sử dụng máy sấy quần áo cũng là cách hạn chế bụi bẩn, côn trùng bám vào quần áo trong quá trình phơi. Quần áo sấy xong có thể đem cất đi luôn, không cần phơi.