Một mùa lễ Vu Lan nữa lại đến trong sự hạnh phúc của bậc làm còn, làm cháu. Đây không chỉ là dịp để mỗi chúng ta hướng lòng thành kính đến bậc sinh dưỡng mà còn là ngày có sức sống văn hóa mãnh liệt trong tín ngưỡng của mỗi người dân Việt Nam.
Xuất phát từ sự tích về đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Đức Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Đại lễ Vu Lan nhắc nhở con người về chữ hiếu, trân trọng thể xác, tâm hồn mà cha mẹ dày công vun dưỡng.
Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần có nghĩa Phật giáo thiêng liêng, mà còn trở thành "lễ hội tình người", hướng con người về với cội nguồn, đúng với đạo lý "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" mà cha ông ta giáo dục. Đồng thời kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp người, nhớ về 4 nguồn ân đức gồm cha mẹ sinh thành, cô thầy dạy dỗ, cha ông đã hy sinh bảo vệ đất nước, cuối cùng là tri ân chính đồng loại.
Một nghi thức được nhiều người quan tâm mỗi khi Vu Lan cận kề là "bông hồng cài áo". Theo đó, những ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực mình bông hồng đỏ, những ai còn mẹ hoặc còn cha sẽ cài hồng nhạt, bông hồng trắng cho những người con không còn cha mẹ trên hồng trần.
Khoảnh khắc đặt cánh hồng lên áo, nhiều người đã không khỏi ngấn lệ, đặc biệt là hồng trắng. Bởi lẽ, không còn sự mất mát nào lớn hơn việc không còn cha mẹ trên đời.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đại lễ Vu Lan được tổ chức trong không khí trang nghiêm, ý nghĩa. Trên nền tảng mạng xã hội, các bạn trẻ truyền tay nhau chia sẻ thông điệp nhân văn, bằng một cách nào đó nói lời yêu thương tri ân đến những người sinh thành.
Tài khoản Facebook có tên Tran Hao viết: May mắn khi Vu Lan năm nay con được cài trên mình bông hồng đỏ. Không còn gì ý nghĩa hơn khi mỗi ngày được nhìn thấy cha mẹ trên đời. Cũng không thể kể hết công lao của mẹ của cha. Ơn mẹ sáng như trăng rằm, công cha bao la tựa đại dương. Hy vọng, những mùa vu lan sau, màu hồng trên áo con sẽ vẫn giữ nguyên, để con có thể báo hiếu, đền đáp công ơn.
Ảnh: Tổng hợp