Nói đến lễ chùa, có lẽ ở Việt Nam đó là một văn hoá. Đúng hơn là văn hoá tâm linh. Bởi, hầu như ở mỗi làng quê đều có ngôi chùa lớn, nhỏ. Vào những ngày mùng 1 Âm lịch và rằm hàng tháng, người dân địa phương (dù không theo đạo Phật) cũng đều đến để dâng hương lễ chùa. Với những người không lấy chữ tín đạo thì vãn cảnh chùa cũng làm tâm thanh tịnh.
Chùa khi xưa là những am nhỏ cheo leo nơi sơn cốc, lánh xa cõi hồng trần để người tu hành tĩnh tâm tu luyện. Nhưng ngày nay không ít nơi chùa xây với các kỷ lục “to nhất, nhiều nhất”, chùa không chỉ là nơi nhang khói phục vụ nhu cầu tâm linh thuần tuý mà còn phục vụ mục đích kinh doanh. Không ít chuyên gia văn hóa phải thốt lên “buôn thần, bán thánh” là cách kinh doanh, làm giàu nhanh nhất.
Cũng theo đó nhiều mô hình liên quan đến “thu phí” biến tướng xuất hiện nơi cửa Phật, giống BOT. Và chuyện cúng vong giải hạn, hay phải đặt “lốt” vài chục triệu mới được gửi tro cốt vào chùa không còn là chuyện hi hữu.
Bất giác buồn nghĩ việc nghĩa, việc thiện của các chùa theo đúng lời Phật dạy cứu vớt chúng sinh. Ngày nay, chùa đôi chỗ đã khác xưa lô xô mái ngói đỏ, sơn son thếp vàng chói mắt. Ở đâu nâu sồng giản dị, nơi đó thâm tình chất chứa.
Tôi nhớ, thời sinh viên có tham gia khoá tu sinh viên do nhà trường tổ chức. Lời thầy chùa dạy tôi còn nhớ: “Các con còn rất trẻ, tương lai phụ thuộc vào nỗ lực và phấn đấu của bản thân. Phật giúp con người hướng thiện, từ đó tự mình cải thiện hành vi, cũng như suy nghĩ việc làm, hướng con người tới sự đồng cảm thương yêu.
Đời người có Nhân – Quả, nếu các con lười nhác học bài thì các con bị điểm kém, nếu các con biếng tập thể dục thì thân thể sẽ yếu kém…Phật không thể cho ta cái ta muốn, những cái không thuộc về ta”.
Đây chính là lý do mà tôi không bao giờ thắp nhang cầu nguyện khi lên chùa, cũng không coi đó là cách để cứu rỗi đức tin dù có khó khăn đến mấy.
Nhưng hỡi ôi, sao nhà chùa lại đày đọa chúng sinh, tro cốt dân gửi lại hất bỏ tùm lum. Những ai trót coi chùa là nghĩa trang gửi được tro cốt người thân, nghĩa là gửi gắm nỗi niềm thương nhớ về người đã khuất, nhà chùa đã nhận xin hãy từ bi.
Trong giáo lý nhà Phật, không để lại giáo lý và phương pháp nào nói về việc mang tro cốt người đã khuất vào chùa. Đây chỉ là biến tướng của con người về sau.
Lý do đưa ra có thể đơn giản vì người sống muốn báo hiếu, muốn cha mẹ, người thân được “an nghỉ cửa Phật”. Nhưng suy nghĩ đó là sai vì Phật không dạy như vậy. Thờ phụng không bằng hiếu kính, hãy chăm lo cho cha mẹ, ông bà chu đáo khi họ còn sống. Đó mới là đại hiếu, đại đức.
Suy nghĩ bỏ ra mấy trục triệu mang người thân vào chùa để được bình an, thoát khỏi địa ngục thì ai còn sợ nghiệp nữa. Con người đâu cần gieo nhân thiện để gặt quả bình an. Người đời cứ sống tà ác, rồi sau khi chết đi chỉ cần mang tiền đặt “chỗ” gửi chùa là siêu thoát?
Đừng đem những ô trọc của đời thường làm hoen ố nơi cửa Phật. Đừng mang tư tưởng “hối lộ thánh thần” bởi suy nghĩ trần sao âm vậy, chỉ cần “đút lót” là đổi trắng thay đen.
Nhưng khổ nỗi, Phật ngự trên cao, trong tâm mỗi người, tâm không tịnh dẫu mâm cao cỗ đầy tiến cống cũng không thanh thản cõi lòng mà đó chỉ là những nơi biến tướng cửa Phật của những kẻ “buôn thần, bán thánh” trục lợi. Những “lốt” tro cốt cứ nhiều lên, và nỗi niềm như chùa Kỳ Quang 2 khiến bao người lại khổ tâm, day dứt.
Chùa không phải nghĩa trang, người đã đi rồi hãy trở về cát bụi.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!