Xôi, bún, miến, phở là món ăn sáng quen thuộc, phổ biến của người Việt. Trong số các món này, món nào là lựa chọn tốt cho sức khỏe?
Sáng nên ăn xôi hay bún, miến, phở?
Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày. Nó được đánh giá là bữa ăn quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Với người Việt, danh sách các món ăn sáng vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn phải kể đến món xôi, bún, miến, phở.
Trong những lựa chọn này, món nào là món tốt nhất cho sức khỏe?
Để đánh giá về vấn đề này, chúng ta nên xem xét về khía cạnh dinh dưỡng của các món ăn.
Xôi là món được chế biến từ gạo nếp nên thành phần chính của nó là tinh bột. Món này cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc. Ngoài ra, xôi cũng chứa một lượng chất xơ ổn định. Tuy nhiên, những người bị thừa cân, béo phì, tiểu đường, người đang có vết thương hở, vết thương mưng mủ, người mới hồi phục sau bệnh nên hạn chế ăn xôi.
Trong khi đó, năng lượng của một bát phở cũng tương đương với lượng cơm của bữa chính. Món phở hoàn toàn có thể sử dụng làm món ăn sáng. Một bán phở bò với khoảng 140 gram bánh phở, 100 gram thịt bò có thể cung cấp 350-400 kcal. Nó chứa cả tinh bột, protein và chất béo. Tuy nhiên, món này khá ít chất xơ. Bạn nên ăn phở kèm các loại rau để tăng lượng chất xơ.
Tương tự, bún, miến cũng là món cung cấp nhiều tinh bột, đạm và chất béo. Tùy theo loại bún, miến mà lượng dinh dưỡng thay đối. Ví dụ, bún riêu, bún vịt, bún ngan thường có nhiều chất béo trong khi đó bún ốc sẽ ít chất béo hơn. Các món bún thường được ăn kèm rau, có thể bổ sung một lượng chất xơ nhất định.
Nhìn chúng, món bún, miến, phở thường có chứa lượng muối khá lớn.
Dù bạn chọn món nào ở trên để làm bữa sáng thì cũng không đảm bảo cân đối dinh dưỡng. Ví dụ như xôi xéo có nhiều protein, lipid từ đậu xanh, mỡ và hành phi nhưng rất ít trong khi đó lượng gluxit lại cao. Các loại bún, phở... giàu protein hơn xôi nhưng lại không nhiều vitamin, chất xơ. Nhìn chung, một bát bún sẽ có dinh dưỡng cân đối hơn so với xôi nhưng bún không thể no bụng bằng xôi.
Bữa sáng (hay bất kể bữa ăn khác trong ngày) đều cần sự cân đối về dinh dưỡng, có đủ tinh bột (gluxit) và đạm (protein). Không nên cắt giảm tinh bột chỉ vì muốn giảm cân. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, bạn cần phải bổ sung rau xanh vào bữa ăn.
Để bữa sáng được đầy đủ dinh dưỡng, bạn có thể thêm một số thực phẩm khác ăn kèm món chính. Ví dụ khi ăn xôi thì nên thêm giò, chả, thịt, ruốc, trứng, dưa góp. Nếu ăn bún, phở thì thêm các loại rau thơm, rau sống, rau chần. Ngoài ra, hãy thay đổi món ăn sáng thường xuyên để đa dạng bữa ăn, tránh nhàm chán.
Lưu ý khi ăn bữa sáng
- Không nên bỏ qua bữa sáng
Bỏ bữa sáng thì cơ thể sẽ bị thiếu hụt năng lượng, dinh dưỡng, làm chậm quá trình trao đổi chất, gây ra tình trạng mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, khó tập trung, phản ứng chậm chạp. Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả học tập, làm việc.
Ngoài ra, không ăn sáng trong thời gian dài có thể làm tăng các vấn đề về sức khỏe như cholesterol trong máu cao, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày, suy giảm miễn dịch, táo bón, sỏi mật...
- Không nên ăn sáng quá muộn
Nhiều người có thói quen dậy muộn và ăn bữa sáng muộn. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra vấn đề đầy bụng, đau dạ dày hoặc ảnh hưởng tới bữa trưa.
Thời gian lý tưởng nhất để ăn sáng là khoảng 6-8h. Đây là lúc axit dạ dày tiết ra mạnh, giúp tiêu hóa thực phẩm dễ dáng. Bạn có thể ăn sáng sau khi thức dậy 20-30 phút.
- Không ăn sáng quá vội
Buổi sáng là thời điểm chúng ta có ít thời gian nên nhiều người thường ăn sáng khá vội vàng. Tuy nhiên, việc ăn nhanh, ăn vội lại gây bất lợi cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng tới hoạt động của dạ dày.