
Trong ba năm qua, Arsenal không chỉ có một mà là nhiều cơ hội để thể hiện lập trường đạo đức đối với trường hợp Thomas Partey. Họ có thể đã đình chỉ anh ngay từ năm 2022 khi tiền vệ người Ghana bị bắt vì nghi án hiếp dâm. Họ cũng có thể hành động vào tháng 11 năm ngoái, khi Partey bị cảnh sát triệu tập điều tra thêm các cáo buộc tấn công tình dục, hoặc vào tháng 1 năm nay, khi toàn bộ hồ sơ bằng chứng được chuyển cho Viện công tố Anh.
Nhưng không – Arsenal vẫn giữ Partey ở lại với mức lương 200.000 bảng mỗi tuần, và chỉ sáu tuần trước khi cựu sao Atletico Madrid bị truy tố, họ còn nỗ lực gia hạn thêm hợp đồng một năm với anh. HLV Mikel Arteta thậm chí còn gọi tiền vệ Ghana là “một cầu thủ cực kỳ quan trọng”.
Càng xem xét lời phát biểu đó của Arteta, càng thấy sự bất ổn đạo đức trong cách Pháo thủ xử lý vụ việc. Việc không đình chỉ cầu thủ vì sợ hậu quả pháp lý đã là một chuyện, nhưng cố gắng gia hạn hợp đồng ngay trước thời điểm Partey bị cáo buộc sáu tội danh hiếp dâm và một tội danh tấn công tình dục lại phản ánh sự lạnh lùng đến đáng sợ. Trong mắt đội chủ sân Emirates, vai trò chuyên môn của cầu thủ sinh năm 1993 rõ ràng quan trọng hơn bất kỳ nguyên tắc đạo đức nào.
Đáng nói, Arsenal không thiếu nhận thức về tình hình. Trong ba năm qua, họ tránh không để Partey xuất hiện trước truyền thông hay tham gia các chiến dịch quảng bá hình ảnh. Nhưng mặt khác, CLB vẫn ca ngợi anh công khai trên mạng xã hội. Chỉ vài ngày sau một bài đăng tán dương Partey, anh lại tiếp tục bị cảnh sát triệu tập.
Đầu tháng 5, Arteta vẫn khen ngợi cậu học trò là người “ổn định nhất mùa này”, mà không hề nhắc tới lý do vì sao một cầu thủ đang bị điều tra lại có thể ra sân đều đặn.
Sự bất công càng rõ hơn nếu so với các nhân viên khác. Cuối năm ngoái, Mark Bonnick – người lo trang phục cho CLB suốt 20 năm – bị đình chỉ và sa thải nhanh chóng chỉ vì những bài đăng ủng hộ Palestine trên mạng xã hội. Trong khi đó, Partey – người vướng loạt cáo buộc hình sự nghiêm trọng – vẫn được tin tưởng giữ chỗ trong đội hình chính.

Arsenal thậm chí còn phớt lờ tiếng nói từ chính người hâm mộ. Hơn 9.000 người đã ký vào bức thư ngỏ của nhóm “CĐV Arsenal chống bạo lực tình dục”, lên án việc CLB tiếp tục sử dụng và quảng bá một cầu thủ đang bị điều tra.
Vấn đề không chỉ nằm ở Pháo thủ. Cả Premier League và FA đều không có quy định rõ ràng về cách ứng xử trong các vụ việc như vậy. Mỗi CLB dường như tự xử lý theo cảm tính, đẩy trách nhiệm qua lại. Kết quả là một “mớ hỗn độn” mang tên Thomas Partey – người vẫn nhận đủ 31 triệu bảng tiền lương suốt ba năm qua, trong khi bóng đen pháp lý bao trùm.
Arsenal – một CLB thường xuyên rao giảng về giá trị và trách nhiệm xã hội – giờ đang phải đối mặt với sự thật cay đắng: họ đã bịt tai, ngoảnh mặt, và đánh mất hoàn toàn la bàn đạo đức của mình.