Dưới đây là 5 thói quen giúp bạn có được khoản tiền lớn:
1. Xem lại số dư tài khoản mỗi ngày
Nguyên nhân chính khiến hầu hết chúng ta đang gặp khó khăn về tài chính là vì không đủ kiên nhẫn thường xuyên theo dõi để biết được số tiền mình chi tiêu hàng ngày.
Đó là nguyên nhân khiến chúng ta không bao giờ nhận ra rằng chi phí tăng lên nhanh chóng và âm thầm như thế nào. Cho đến khi gần hết tiền lại tự hỏi không biết tiền của mình đã đi đâu, về đâu.
Chỉ cần dành vài phút mỗi ngày để xem tài khoản ngân hàng và số dư thẻ tín dụng ở hiện tại sẽ giúp bạn hiểu rõ thực tế tài chính của mình.
Tâm lý chung của mọi người là dễ chi tiêu quá mức khi không kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự thấy số dư của mình, bạn sẽ ít có khả năng biện minh cho việc mua sắm bốc đồng hoặc quên mất hóa đơn sắp tới.

2. Hãy để vào tiết kiệm mỗi lần bạn có thêm khoản tiền gì đó
Bạn dễ dàng cho rằng mình sẽ có thêm một ít tiền để thoải mái chi tiêu khi được hoàn lại một khoản hoặc nhận được khoản thưởng thêm, hoặc khi ai đó cho tiền...
Nhìn chung, số tiền đó không nằm trong ngân sách của bạn ngay từ đầu, nên bạn sẽ không cảm thấy tiếc nuối nếu cất giữ nó một cách an toàn vào tài khoản tiết kiệm, điều này có thể có lợi cho bạn một ngày nào đó trong tương lai.
Với tài khoản tiết kiệm này tốt hơn hết hãy hoàn toàn tách biệt với số tiền trong tài khoản thanh toán cần thiết cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày nếu không càng về sau bạn càng có xu hướng "nhập nhèm" những khoản này và tiêu luôn cả tiền tiết kiệm.
Nhớ rằng cuộc sống luôn khó lường, bạn không thể nào đoán biết được tương lai mình có những chuyện gì. Bạn nên xây dựng một quỹ khẩn cấp để giúp bạn giải quyết mọi khó khăn tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Nếu tình hình khả quan hơn, bạn có thể để dành riêng một khoản tiết kiệm để sửa hay mua nhà, mua xe, cất tiền cho kỳ nghỉ mơ ước...
3. Trong 1 tuần hãy ghi lại mọi khoản chi tiêu
Hầu hết những người không theo dõi chi tiêu của mình đều phủ nhận việc bản thân đang chi tiêu nhiều, đó là lý do họ luôn rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền.
Tuy nhiên, nếu họ thực sự ghi lại mọi thứ đã mua trong một tuần từ cà phê đến một món đồ trang trí nhà mới đắt tiền sẽ giúp họ biết được số tiền vẫn có thể chi trả và những gì họ nên cắt giảm trong tương lai để đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu tài chính của mình nếu bạn không hiểu rõ mình đang chi tiêu bao nhiêu mỗi tuần.
Một vài món đồ giá 50 hay 100 nghìn tưởng là không đáng là bao nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều tới tài khoản của bạn, nhất là khi thu nhập cố định không tăng lên.
Nếu bạn không theo dõi chi tiêu hàng tuần của mình, bạn sẽ dễ dàng thiếu hụt các khoản tiền cần thiết.
4. Khi bạn muốn mua sắm online, hãy đi dạo
Theo dữ liệu bán lẻ, người Mỹ trung bình chi khoảng 513 đô la (tương đương 13 triệu đồng) mỗi tháng cho mua sắm trực tuyến.
Ngày nay, mọi thứ mua sắm trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều khi bạn chỉ cần nhấp vào một nút để thanh toán.
Chúng ta dễ mua hàng trực tuyến hơn vì có cảm giác như thể số tiền đó không phải là tiền thật vì nó không thực sự rời khỏi ví của bạn khi mua hàng.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn mua sắm trực tuyến trong giai đoạn bản thân đang cố gắng tiết kiệm tiền, hãy thử làm một trò tiêu khiển khác thay thế - tốt nhất là một trò tiêu khiển không tốn một xu nào.
Hoặc tốt hơn nữa, hãy kiềm chế cơn "thèm" và đợi một vài ngày trước khi nhấp vào nút mua. Dành cho bản thân một chút thời gian để suy nghĩ có thể khiến bạn nhận ra rằng bạn thực sự không cần hoặc không muốn mua sắm.
Theo các chuyên gia, tốt hơn hết bạn nên đi dạo trong khi liệt kê trong đầu ít nhất ba mục tiêu tài chính của mình trước khi thực hiện việc mua hàng trực tuyến.
5. Hãy hi rõ mục tiêu tiền bạc để duy trì động lực
Các mục tiêu tài chính được viết ra sẽ thúc đẩy bạn nhớ chính xác lý do tại sao bạn cần phải thực hiện việc tiết kiệm.
Đó là lời nhắc nhở rằng tiền của bạn cần nằm yên ổn trong tài khoản và không được lãng phí dù chỉ một đồng, nó đang hướng tới một điều gì đó có ý nghĩa với bạn.
Cho dù đó là trả hết nợ thẻ tín dụng hay tiết kiệm đủ để đặt chuyến đi trong mơ của mình, việc có một lời nhắc nhở bằng văn bản về tất cả các mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được chúng hơn.
Mỗi khi bạn bị cám dỗ rút tiền từ tài khoản tiết kiệm khi muốn mua sắm theo cảm tính hoặc muốn có thêm một ít tiền cho cuối tuần, điều đầu tiên bạn sẽ thấy là các mục tiêu của mình hiện ra trước mắt, nhắc nhở bạn rằng nếu bạn làm vậy, chúng có thể không bao giờ thành hiện thực.