3 loại cây linh thiêng gắn liền với cuộc đời Đức Phật. Là cây gì?

Gắn liền với truyền thuyết về cuộc đời Đức Phật thì có 3 loại cây này xuất hiện vào những thời điểm quan trọng trong đời Ngài. Ngày nay 3 loại cây này được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng trồng được.

Trong dòng chảy lịch sử Phật giáo, hình ảnh Đức Phật không chỉ hiện hữu qua lời dạy từ bi và trí tuệ, mà còn gắn liền với những biểu tượng thiên nhiên đầy thiêng liêng. Trong số đó, ba loại cây cổ thụ: cây Vô Ưu, cây Bồ Đề và cây Sala mang ý nghĩa đặc biệt, bởi mỗi loài cây đều chứng kiến những cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni — từ lúc Ngài Đản sinh, Giác ngộ cho đến khi nhập Niết Bàn. Cùng khám phá ý nghĩa sâu sắc của ba loài cây thiêng này và lý do vì sao chúng trở thành biểu tượng tâm linh trong lòng người con Phật.

1. Cây Vô ưu (vàng anh)- loài cây chứng kiến sự ra đời của Đức Phật

Cây Vô ưu có xuất xứ từ Ấn Độ, ngày nay được trồng nhiều ở Việt Nam, nhất là Hà Nội và được gọi là Vàng anh. 

Theo truyền thuyết, hoàng hậu Ma Da cùng tùy tùng xa giá về quê ngoại để hạ sinh con đầu lòng theo tập tục. Khi qua vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu đã lệnh dừng lại để vào lâm viên nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn cảnh.

Hoa vô ưu (vàng anh)
Hoa vô ưu (vàng anh)

Tới gốc cây Vô ưu, hoàng hậu thấy hoa nở thưm nên đưa tay vin cành. Sau đó hoàng hậu hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa, người sáng lập ra Phật giáo sau này. Thái tử ngay khi sinh ra đã đứng lên đi 7 bước, mỗi bước nở  bông hoa sen.

Vô ưu là cây có tán to xanh quanh năm, hoa vàng vàng nghệ có nhụy dài. Hoa vô ưu nở vào mùa xuân có hương thơm nhẹ nhàng. Tên gọi “Vô Ưu” mang nghĩa “không lo âu, không phiền muộn”, như lời chúc phúc cho một cuộc đời an lạc. Trong Phật giáo, cây Vô Ưu không chỉ là biểu tượng cho sự ra đời của một bậc Thánh nhân, mà còn là hình ảnh của sự giải thoát khỏi khổ đau.

Cây vô ưu phát triển nhiều nơi và được trồng ở nhiều chùa, công viên. Hà Nội cũng là nơi có nhiều cây vô ưu quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. 

2. Cây Bồ Đề – Nơi Đức Phật giác ngộ chân lý tối thượng

Cây Bồ Đề (Ficus religiosa) là loại cây mang ý nghĩa linh thiêng trong Phật giáo. Loại cây này ngày nay được trồng ở nhiều quốc gia. Chính dưới tán cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya – Ấn Độ), Thái tử Tất Đạt Đa đã thiền định suốt 49 ngày đêm và đạt được quả vị Phật vào năm 588 TCN.

Thân bồ đề cổ thụ rất to, lá hình trái tim, có sức sống mãnh liệt. Cây là biểu trưng cho trí tuệ, giác ngộ và bền vững. 

Chính dưới gốc bồ đề, Đức Phật giác ngộ, từ đó mở ra con đường truyền giảng đạo Phật, hứng tới con đường giải thoát cho muôn loài. 

Cây bồ đề linh thiêng
Cây bồ đề linh thiêng

Ngày nay trong nhiều nhà chùa có trồng cây bồ đề như biểu tượng cho giác ngộ, trí tuệ. Cây bồ đề thuộc loại cây to lớn và gắn liền với đình chùa nên không nên trồng cây bồ đề to lớn trước nhà. Nhưng gia đình có thể trồng dạng cây bồ đề bonsai hoặc trưng bày lá bồ đề, tranh bồ đề trong nhà.

Cây bồ đề giúp con người thư giãn, bình tĩnh hơn nên phần nào giúp gia chủ tinh tấn hơn, bình tĩnh trước mọi sự việc diễn ra sẽ giúp mang lại cảm giác an yên.

3. Cây Sala – Chứng nhân lúc Đức Phật nhập Niết Bàn nhưng ngày nay hay bị nhầm lẫn

Cây Sala (Shorea robusta), còn được gọi là cây Ta La. Kinh Phật viết rằng Đức Phật nhập niết bàn vào mùa hoa Sala. Khi ấy Đức Phật đã nằm giữa hai cây Sala đang nở hoa rực rỡ và thanh thản nhập Niết Bàn ở tuổi 80 sau khi hoàn thành sứ mệnh hoằng hóa.

Hoa sala màu trắng, tỏa hương thơm ngát và có vẻ đẹp trang nghiêm, tượng trưng cho sự viên mãn và thanh thoát. Trong văn hóa Phật giáo, cây Sala gắn với ý nghĩa “sự trở về” – trở về với chân như, với cõi Niết Bàn tịch diệt, vượt khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Cây sala và cây ngọc kỳ lân
Cây sala và cây ngọc kỳ lân

Ngày nay, cây Sala được trồng tại nhiều khu tưởng niệm Phật giáo, và hình ảnh hai cây Sala song thọ thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật mô tả cảnh Phật nhập diệt, thể hiện niềm kính ngưỡng và tưởng nhớ sâu sắc đến Đức Phật.

Tuy nhiên  hiện nay loài cây sala này thường bị nhầm với cây Ngọc Kỳ Lân (hoa có cánh đỏ, như đầu lân). Loài cây Sala chính thức thường có ở rừng nguyên sinh của Ấn Độ. Còn cây Ngọc Kỳ Lân của Sri Lanka có thể đã bị nhầm lẫn từ thời thuộc địa, sau đó được trồng ở nhiều nơi nên được gọi là sala. Quả thực Sala trong kinh Phật phải là cây hoa trắng Shorea robusta.

Những cây được trồng tại các công viên, nhà chùa, gia đình ngày này mà gọi là sala thì hầu hết đều là cây Ngọc Kỳ Lân không phải Sala nhắc tới trong kinh Phật.

Ngày nay Vô ưu, Bồ Đề có thể trồng tại nhiều nơi, trong các gia đình, có thể trồng trong vườn hoặc cây bonsai. Tuy nhiên cây sala chính thức trong kinh Phật thì rất khó phát triển tại các gia đình.

Vô Ưu – nơi Đức Phật đản sinh, Bồ Đề – nơi Ngài giác ngộ, và Sala – nơi Ngài nhập Niết Bàn, đã trở thành biểu tượng bất tử trong lòng hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới. Mỗi cây đều không chỉ gắn với một sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc về sự sống, giác ngộ và giải thoát. Việc chiêm bái, trồng hoặc chăm sóc những loài cây này không chỉ là hành động thể hiện sự tôn kính, mà còn là cách để người học Phật nhắc nhở chính mình về lý tưởng sống an lành, từ bi và trí tuệ.

*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm