3 kiểu lời khen tưởng tốt nhưng lại hủy hoại con trẻ – Kiểu thứ 3 hầu hết cha mẹ đều mắc phải

Nhiều phụ huynh cho rằng càng khen con nhiều, trẻ sẽ càng tự tin và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, không phải lời khen nào cũng mang lại tác dụng tích cực.

“Con chỉ được 8,5 điểm Toán thôi mẹ ơi…”, con gái cúi mặt, tay xoắn chặt vạt áo. Tôi vội trấn an: “Không sao đâu, con là giỏi nhất mà!”. Thế nhưng, con bất ngờ ngẩng lên, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt lăn dài: “Nhưng con thấy mình ngốc lắm… Đề dễ vậy mà con vẫn làm sai”.

Khoảnh khắc đó khiến tôi chết lặng. Từ nhỏ, tôi luôn động viên con bằng những câu như: “Con thật thông minh”, “Con giỏi lắm”, với hy vọng tiếp thêm tự tin cho con. Nhưng càng lớn, con lại càng hay tự trách bản thân, sợ sai, sợ không đạt kỳ vọng.

Mãi đến khi đọc nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck – chuyên gia về tâm lý học phát triển – tôi mới vỡ lẽ: Việc khen ngợi trẻ theo kiểu “Con giỏi quá”, “Con là thiên tài” có thể khiến trẻ sợ thất bại, đánh mất động lực học hỏi. Gần 90% phụ huynh đang vô tình làm tổn thương con bằng những lời khen tưởng chừng vô hại.

Khen "Con thật giỏi" – tưởng khích lệ, hóa ra lại là áp lực

Giáo sư Brummelman (Đại học Amsterdam) từng công bố một nghiên cứu khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình: Khi những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp được khen kiểu như “Con là người vẽ đẹp nhất lớp”, thay vì vui vẻ, các em lại cảm thấy lo lắng. Vì sao? Vì chúng sợ nếu lần sau không vẽ đẹp như vậy nữa thì sẽ làm người lớn thất vọng.

Lời khen càng phóng đại, trẻ càng sợ thất bại. Giống như một quả bóng bị bơm quá căng, sớm muộn gì cũng vỡ. Những lời khen "có cánh" đôi khi chẳng khác nào viên kẹo ngọt có độc – ngọt ngào trong phút chốc nhưng để lại hậu quả lâu dài.

Tôi nhớ có chị hàng xóm từng hào hứng khen con trai sau bài thi: “Con là thiên tài Toán học!”. Nhưng chỉ vài tuần sau, khi đề bài khó hơn và bé làm sai, cậu bật khóc: “Mẹ ơi, có phải con không còn là thiên tài nữa không?”.

Giáo sư Brummelman (Đại học Amsterdam) từng công bố một nghiên cứu khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình: Khi những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp được khen kiểu như “Con là người vẽ đẹp nhất lớp”, thay vì vui vẻ, các em lại cảm thấy lo lắng.
Giáo sư Brummelman (Đại học Amsterdam) từng công bố một nghiên cứu khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình: Khi những đứa trẻ có lòng tự trọng thấp được khen kiểu như “Con là người vẽ đẹp nhất lớp”, thay vì vui vẻ, các em lại cảm thấy lo lắng.

Muốn trẻ phát triển, hãy khen sao cho đúng

1. Thay “Con thật giỏi” bằng “Mẹ thấy con đã…”

Các chuyên gia khuyên rằng: Thay vì khen chung chung, hãy khen cụ thể hành động, nỗ lực mà trẻ đã thực hiện. Lời khen chi tiết giúp trẻ hiểu rằng công sức của mình được người lớn ghi nhận – đó là động lực quý giá để trẻ tiếp tục cố gắng.

Ví dụ:

Thay vì nói “Con nhảy đẹp quá!”, hãy nói: “Khi con xoay người nhanh, tiếp đất nhẹ như mèo – chắc con đã tập rất chăm chỉ, đúng không?”

Một lời khen đúng cách không chỉ cổ vũ mà còn khiến trẻ “nghiện” nỗ lực, thay vì sợ sai hay thất bại.

2. Khen sự cố gắng, đừng khen tài năng

Theo nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck, những đứa trẻ được khen “thông minh” thường dễ bỏ cuộc khi gặp thử thách. Ngược lại, nhóm trẻ được khen “chăm chỉ” lại kiên trì đến cùng. Điều đó cho thấy, lời khen về nỗ lực sẽ nuôi dưỡng sự bền bỉ trong trẻ.

Theo nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck, những đứa trẻ được khen “thông minh” thường dễ bỏ cuộc khi gặp thử thách.
Theo nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck, những đứa trẻ được khen “thông minh” thường dễ bỏ cuộc khi gặp thử thách.

Gợi ý cách khen:

“Con viết lại bài văn đến lần thứ ba, mẹ rất nể sự kiên trì của con.” “Xếp hình khó thật, vậy mà con thử tới bảy cách mới thành công. Con giống như một nhà phát minh đấy.”

3. Khen sự tiến bộ – thay vì chỉ chú trọng kết quả

Nhiều cha mẹ chỉ mừng vì điểm số hoặc thành tích, mà quên rằng điều đáng quý nhất là sự tiến bộ từng ngày.

Thay vì nói “Con giỏi thật!” khi con đạt chứng chỉ đàn cấp 10, hãy thử: “Tuần trước con đánh sai 5 nốt, hôm nay chỉ sai 2 nốt. Tay con đã nhớ bài rồi đấy.”

Khi trẻ được ghi nhận vì sự tiến bộ, dù nhỏ đến đâu, các em sẽ hiểu rằng mỗi bước đi đều có ý nghĩa. Giống như leo núi: nếu chỉ nhìn lên đỉnh sẽ dễ nản, nhưng nếu biết mình đã vượt qua từng bậc, trẻ sẽ càng có động lực để tiếp tục.

3 kiểu khen tưởng tốt nhưng lại dễ làm tổn thương trẻ

1. Khen kiểu so sánh với người khác

Những câu như "Con là người thông minh nhất lớp!" hay "Nhờ con mà lớp mới vô địch!" nghe có vẻ đầy tự hào, nhưng lại vô tình khiến trẻ gắn giá trị bản thân vào việc "hơn người khác". Điều này dễ tạo ra tâm lý cạnh tranh cực đoan, khiến trẻ chỉ cố gắng để vượt mặt bạn bè, thay vì phát triển chính mình hay hỗ trợ tập thể.

Khen đúng cách: Thay vì nói đến thứ hạng, hãy khen vào hành vi cụ thể: "Mẹ thấy con chủ động giúp bạn làm bài, điều đó cho thấy con rất biết quan tâm và có tố chất lãnh đạo."

2. Khen kiểu tiên đoán tương lai

Câu nói "Con giỏi thế này, mai mốt làm bác sĩ nha!" tưởng như là kỳ vọng tích cực, nhưng nếu trẻ gặp thất bại, chúng có thể quay lại nghi ngờ chính mình: “Mình có thực sự giỏi không?”

Khen đúng cách: Tập trung vào phẩm chất hiện tại thay vì viễn cảnh xa xôi: "Con quan sát đàn kiến rất lâu mà không xao nhãng, mẹ thấy con có sự tập trung đáng nể – điều đó sẽ giúp con làm tốt bất cứ việc gì."

3. Khen quá đà, cảm xúc thiếu chân thực

Lời khen như "Bức tranh này đẹp nhất mẹ từng thấy, như tranh của Picasso ấy!" nghe thì có vẻ động viên, nhưng lại khiến trẻ nghi ngờ: “Có thật là mẹ thấy thế không?”

Khen đúng cách: Hãy thể hiện cảm xúc thật, cụ thể, gần gũi: "Màu xanh trong bức tranh khiến mẹ nhớ đến biển lúc hoàng hôn. Con nghĩ ra cách phối màu đó như thế nào vậy?"