Vì sao không nên tắm gội, rửa bát, giặt quần áo khi có sấm sét?

Trong khi trời sấm sét, việc tắm rửa, giặt giũ cũng có thể gây nguy hiểm.

Vì sao không nên tắm, rửa bát, giặt quần áo khi có sấm sét?

Thông thường, khi trời có mưa bão, mọi người sẽ quen với những khuyến cáo như không đứng gần cửa sổ, không đứng dưới gốc cây. Tuy nhiên, trong thời điểm này, bạn cũng nên tránh những việc phải tiếp xúc với nguồn nước như tắm gội, rửa bát.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng nguồn nước trong lúc có sấm sét có những nguy cơ gây nguy hiểm nhất định.

Các chuyên gia y tế tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo mọi người không nên đụng tới nguồn nước bao gồm cả việc tắm gội, rửa bát để tránh nguy cơ bị sét đánh.

Trong thông báo của CDC Mỹ, đơn vị này nêu rõ: Không tắm, không dùng vòi hoa sen, rửa bát hay các việc tiếp xúc với nước trong cơn dông sét. Sét có thể đi qua hệ thống ống nước của tòa nhà. Trường hợp sử dụng ống nước nhựa, nguy cơ truyền điện sẽ thấp hơn so với sử dụng ống kim loại. Tuy nhiên, việc tránh tiếp xúc với hệ thống nước cũng như nước chảy trong khi có dông bão vẫn nên được ưu tiên, giúp giảm nguy cơ bị sét đánh.

Không nên tắm gội, rửa bát, giặt quần áo khi có sấm sét.

Không nên tắm gội, rửa bát, giặt quần áo khi có sấm sét.

Ngoài ra, cơ quan này cũng khuyến cáo người dân nên tránh xa khu vực hiên nhà, ban công, không đến gần cửa sổ, cửa ra vào khi có tiếng sấm sét. Đặc biệt, mọi người không nên nằm trên sàn bê tông hoặc dựa vào tường bê tông trong thời điểm có sấm sét.

Bên cạnh đó, không nên sử dụng máy tính, thiết bị điện tử khác kết nối với ổ cắm điện; tránh xa điện thoại có dây. Điện thoại di động, điện thoại không dây chỉ được coi là an toàn để sử dụng trong nhà khi chúng không kết nối với ổ điện để sạc pin.

Nếu sét đánh vào nhà bạn, dòng điện sẽ có xu hướng đi theo con đường ít điện trở xuống đất nhất. Dây kim loại, nước trong đường ông chính là đường dẫn thuận tiện để dòng điện đi theo xuống đất. Vòi hoa sen là vật đáp ứng được đủ hai thứ (có kim loại và có nước). Điều này khiến nó trở thành thứ lý tưởng bị nhiễm điện. 

Khi một căn nhà bị sét đánh, con người (ở trong căn nhà đó) vẫn có nguy cơ bị thương nhưng ít có khả năng bị thương nặng như khi bị sét đánh trực tiếp. Tuy nhiên, rất khó để chắc chắn về mức độ tổn thương của một người khi bị sét đánh vào nhà.

Một tia sét có thể mạnh đến mức nào?

Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia tại Mỹ, một tia sét đánh xuống đất có thể làm không khí xung quanh nó nóng lên nhiệt độ 50.000 độ F (27760 độ C). Mức nhiệt này cao gấp 5 lần so với nhiệt độ ở bề mặt của mặt trời.

Ngay sau khi chớp sáng xuất hiện, không khí sẽ nhanh chóng nguội đi và co lại. Sự giãn nở trong tức thì này tạo ra làn sóng âm thanh. Đó chính là tiếng sấm mà chúng ta hay nghe thấy.

Sét có thể cướp đi sinh mạng của con người theo nhiều cách. Sét đánh trực tiếp vào con người thường khiến nạn nhân ra đi ngay trong tích tắc. Rất hiếm trường hợp có thể sống sót sau khi bị sét đánh.

Ngoài ra, con người tiếp xúc với ô tô hoặc các vật thể kim loại bị sét đánh cũng có thể gặp chấn thường phần mềm, tổn thương da, bỏng, nguy hiểm hơn là chấn thương não, cơ...

Dòng điện từ tia sét có thể truyền qua mặt đất rồi bật lên người và các vật thể xung quanh. Dòng điện này cũng truyền từ vật này sang vật khác.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra cách tính toán khoảng cách an toàn giữa người và tia sét để hạn chế ảnh hưởng từ tia sét. Cách tính được áp dụng như sau: Đếm số giây giữa tia chớp và tiếng sấm rồi chia cho 5. Cứ mỗi 5 giây tương đương với 1 dặm (khoảng 1,6km); 15 giây tương đương với 3 dặm (khoảng 4,8km); 0 giây nghĩa là bạn đang ở rất gần tia sét.