Vì sao cây trầu bà xanh tốt quanh năm nhưng nhiều người đưa vào 'danh sách đen', không trồng trong nhà?

Cây trầu bà có nhiều ưu điểm như lá xanh tốt quanh năm, dễ chăm sóc, có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt nhưng không ít người nhất quyết không trồng cây này trong nhà vì một số lý do dưới đây.

Cây trầu bà là loại cây cảnh phổ biến, rất dễ trồng. Cây có thể trồng trong đất hoặc trong nước đều được. Để nhân giống cây, bạn chỉ cần cắt một đoạn cành rồi cắm vào đất, vào bình nước và chờ đợi vài ngày. Rễ cây sẽ nhanh chóng phát triển và tạo ra cây mới. Cây trầu bà có thể sinh trưởng ở môi trường trong nhà, được trồng nhiều ở văn phòng, cửa hàng, phòng khách của các gia đình... Tuy nhiên, loại cây này bị nhiều người cho vào "danh sách đen", không trồng trong nhà.

Nguyên nhân khiến nhiều người đưa cây trầu bà vào "danh sách đen"

  • Lá cây chuyển vàng khi trồng trong nhà

Cây trầu bà có lá xanh quanh năm. Tuy nhiên, khi trồng trầu bà trong nhà, sau một thời gian, lá sẽ chuyển sang màu vàng. Việc này ảnh hưởng tới thẩm mỹ chung của căn nhà.

Lá trầu bà chuyển vàng có thể do điều kiện ảnh sáng không tốt. Trồng trong nhà lâu ngày sẽ khiến cây không tiếp xúc với đủ lượng ánh sáng cần thiết, quá trình quang hợp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc thừa nước, chất lượng đất kém cũng có thể khiến cây bị vàng lá.

  • Giá trị làm cảnh không quá cao

Cây trầu bà có lá xanh mướt quanh năm nhưng không có hoa, không có sự thay đổi nhiều về màu sắc. Đối với nhiều người, nhìn tổng thể cây này sẽ không có điểm đặc sắc, thậm chí còn bị đánh giá là đơn điệu.

Do đó, những người ưa thích sự ấn tượng, màu sắc hơn sẽ không có nhiều hứng thú với cây trầu bà. Họ có xu hướng lựa chọn những loại cây cảnh có hình dáng độc đáo hơn, những loại cây có thể ra hoa mang lại màu sắc phong phú hơn.

Có một số lý do khiến nhiều người đưa cây trầu bà vào
Có một số lý do khiến nhiều người đưa cây trầu bà vào "danh sách đen".
  • Dễ bị thối

Cây trầu bà dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng hay gặp vấn đề thối rễ. Khi rễ cây bị tổn thương, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng suy giảm. Khi đó, cây sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái lụi tàn.

Cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến rễ cây bị thối để khắc phục sớm, giúp cây phát triển khỏe mạnh.

  • Cây trầu bà dễ bị nhện đỏ tấn công

Nhện đỏ là loại sâu bệnh phổ biến, thường xuất hiện trên cây trầu bà. Loại sinh vật ký sinh này bám trên lá cây và hút chất dinh dưỡng. Nó có thể khiến phần đầu lá của cây bị cháy.

Do kích thước khá nhỏ nên nhiều khi người trồng sẽ khó phát hiện ra sự tồn tại của loài sinh vật này, đặc biệt là với những cây trầu bà có lá tươi tốt, sum suê.

Khi phát hiện cây bị nhện đỏ tấn công, bạn nên cắt toàn bộ phần lá có dấu hiệu vàng, cháy. Sau đó, lấy khăn sạch thấm nước muối pha loãng để lau lá cây để loại bỏ mầm bệnh, ngăn chặn nhện đỏ quay lại.

Một số mẹo chăm sóc cây trầu bà

Với những lý do nêu trên, nhiều người đưa cây trầu bà vào "danh sách đen" không trồng trong nhà. Tuy nhiên, đây là loại cây khá dễ trồng. Nếu biết cách chăm sóc, bạn vẫn sẽ có những chậu cây xanh tốt quanh năm, không bị sâu bệnh.

  • Chú ý ánh sáng

Cây trầu bà không thích hợp với môi trường có ánh sáng mạnh. Vì vậy, nên tránh để cây ở những nơi có ánh nắng trực tiếp. Hãy đặt cây ở nơi có ánh sáng vừa phải, không quá gắt để đảm bảo quá trình quang hợp của cây.

  • Tưới nước và bón phân

Việc tưới nước cho cây trầu bà đóng vai trò quan trọng để cây phát triển khỏe mạnh. Loại cây này không cần nhiều nước. Bạn có thể quan sát tình trạng đất rồi quyết định có nên tưới hay không. Nếu mặt đất khô thì bổ sung thêm nước. Nếu đất còn ướt thì chưa cần tưới vội. Một tuần có thể tưới 2 lần là đủ.

Nếu trồng cây thủy canh, một tuần nên thay nước 1-2 lần để ngăn chặn vi khuẩn phát triển làm hại rễ cây. Lượng nước đổ vào bình chỉ cần ngập khoảng 2/3 bộ rễ là được.

Về việc bón phân, có thể dùng dùng các loại phân hữu cơ hoai mục vùi vào xung quanh gốc để thúc đẩy sự phát triển của cây. Với cây thủy canh, mỗi lần thay nước, hãy bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng cho cây.

  • Ngăn ngừa sâu bệnh

Trong quá trình chăm sóc, hãy thường xuyên lau lá cho cây để loại bỏ bụi bẩn cũng như kịp thời phát triển dấu hiệu sâu bọ tấn công lá cây. Nếu thấy cây trầu bà bị nhện đỏ phá hoại, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu để loại bỏ chúng. Nên chọn những loại thuốc sinh học hoặc tự chế các loại thuốc trừ sâu bằng nguyên liệu tự nhiên để đảm bảo an toàn.