Kỹ thuật sinh học phân tử chỉ mới được ứng dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những giá trị mà phương pháp này mang lại vô cùng to lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả nông nghiệp, tin học, sinh học và y học.
Chia sẻ về các phương pháp ứng dụng nghiên cứu sinh học phân tử trong nguyên lý truy bệnh và điều trị bệnh, GS. TS Nguyễn Trọng Bình, một trong những người tiên phong về lĩnh vực này tại Việt Nam, cho biết: Ứng dụng phương pháp phân tử sinh học trong lĩnh vực y học giúp việc truy tìm, phát hiện bệnh lý được sớm hơn, nhanh hơn, chính xác hơn. Nó cũng giúp các nhà khoa học, các chuyên gia hiểu được gốc rễ các căn nguyên của bệnh lý và từ đó có các phác đồ điều trị bệnh lý phù hợp.
Cũng theo TS. Bình, việc ứng dụng các kỹ thuật này giúp các chuyên gia chẩn đoán sớm được những bất thường trong phôi thai, những bệnh di truyền hay ung thư, một trong những bệnh lý hết sức nguy hiểm, biến chứng khôn lường.
Để truy vết và điều trị bệnh tận gốc, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ tiến hành sử dụng một số kỹ thuật như khuếch đại gene, giải trình tự gene để phân tích các bộ nhiễm sắc thể (NST), sự đa hình của các gốc virus … Một số bệnh có thể kể tên như: Bênh Thalassemia, hội chứng Down, bệnh Hemophilia, đột biến ở các gene AZF gây hiếm muộn ở nam do mất khả năng sản sinh tinh trùng, đột biến ở gene EGFR và KRAS dẫn đến sự kháng thuốc ở bệnh nhân ung thư dạ dày – tá tràng. Việc chẩn đoán này giúp hạn chế được những bất thường cho các trẻ sơ sinh, sàng lọc bệnh nhân ung thư kháng thuốc, tư vấn sinh con và hôn nhân, dự báo trước khả năng bị bệnh ở trẻ em trong gia đình của những người không may mang đột biến gene.
Mặt khác, phương pháp này còn giúp các nhà khoa học tiến hành truy tìm, phát hiện sự bất thường, các nguyên nhân gây bệnh thông qua ánh sáng sinh học phân tử, để từ đó đưa ra các phương thức trị liệu phù hợp hay sẽ có những cách thức ức chế các gốc virus gây bệnh chuẩn xác, bào chế các loại thuốc kháng sinh kháng thể phù hợp trên từng bệnh lý. Đồng thời giúp tìm ra các phương pháp tối ưu để phòng ngừa bệnh.
Kỹ thuật này cũng giúp các nhà khoa học nhận biết được hệ thống gene trên từng cá nhân và có những phân tích từ đó đưa ra những cách dùng thuốc tác động đặc hiệu lên các gene gây bệnh của mỗi người bệnh khác nhau.
Ví dụ như việc xét nghiệm gene di truyền về ung thư như Ung thư vú: BRCA1, BRCA2, PTEN, TP53,…, Ung thư buồng trứng: BRCA1, BRCA2, PALB2, TP53,…, Ung thư đại trực tràng: PTEN, MLH1, MSH2,MSH6,…, thậm chí thông qua phương pháp này các nhà khoa học còn phát hiện được các loại ung thư có khả năng di truyền cho các thế hệ sau. Hay trong các trường hợp bệnh khó và hiếm gặp như bệnh nhiều ngón (Polydactylism).
Việc ứng dụng các kỹ thuật như liệu pháp gene trong trị liệu giúp phát hiện bệnh lý sớm, từ đó có những phương pháp sửa chữa các khiếm khuyết của gene để chữa bệnh hoặc có những liệu pháp giúp cơ thể chống lại bệnh tật tốt hơn. Đối với liệu pháp này các nhà nghiên cứu sẽ thay thế các gene bị mất hoặc bị đột biến để điều trị bệnh. Có thể nói đây là liệu pháp trị liệu gene phổ biến nhất hiện nay.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Trọng Bình, để việc truy vết bệnh, nghiên cứu các loại thuốc kháng sinh phù hợp, trước tiên các nhà khoa học phải truy tìm các gene đích sinh, sau đó mới tìm cách ức chế các gene bệnh này bằng những phương pháp phù hợp để tối ưuđược mầm bệnh. Đây cũng là phương pháp đang được dùng thử nghiệm để nghiên cứu vắc xin chống HIV.
Ngoài những giá trị về mặt y học, phương này này còn mang lại những giá trị vô cùng to lớn trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, tin học hay sinh học với những kỹ thuật tiên tiến hiện đại phân tích đến từng tế bào vật thể. Tin chắc răng liệu pháp này sẽ phát huy những tiềm năng ứng dụng lớn trong tương lai.