Sáng ngày 20/5/2025, tại Hội trường Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao TP.HCM, hội thảo khoa học chuyên đề “Công nghệ điện cơ trong phân tích sinh cơ học thể thao” đã chính thức diễn ra với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, huấn luyện viên và lãnh đạo ngành thể thao Thành phố.
Hội thảo do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự đồng hành tài trợ của Công ty Cổ phần Medical & Wellness Creations. Diễn giả chính là Tiến sĩ Đào Văn Thâu – chuyên gia sinh cơ học, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thể thao, Trường Đại học TDTT TP.HCM, đồng thời là tiến sĩ tốt nghiệp tại Đại học Thể thao Quốc gia Hàn Quốc với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học thể thao.


Hội thảo quy tụ nhiều đại biểu uy tín trong lĩnh vực thể thao như:
• TS. Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới
• TS. Vũ Thái Hồng – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao
• TS. Đào Văn Thâu – Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM
• Bà Trần Mai Thúy Hồng – Phó Trưởng phòng TDTT, Sở VH-TT TP.HCM
• Bà Trương Thị Hân Xuyên – Giám đốc Công ty CP Medical & Wellness Creations
• Ông Phan Văn Lam – Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh Bình Dương
• Ông Nguyễn Minh Hiền – Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh Vĩnh Long
• Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa – Nghệ thuật – Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
• Lãnh đạo các phòng, bộ môn, và huấn luyện viên từ TP. Thủ Đức, các quận huyện thuộc TP.HCM cũng có mặt đông đủ.

Đây là một hoạt động quan trọng nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh cơ học vào công tác huấn luyện vận động viên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại hóa ngành thể thao thành tích cao và nâng cao hiệu quả phòng chống chấn thương.
Phát biểu khai mạc, ông Lý Đại Nghĩa – Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT TP.HCM nhấn mạnh: “Công nghệ điện cơ và các hệ thống phân tích chuyển động như Noraxon, Cortex, Kistler… đang mở ra những phương pháp mới trong việc đánh giá chức năng cơ, chuyển động và hiệu suất của vận động viên. Hội thảo lần này là cơ hội để đội ngũ huấn luyện thể thao Thành phố tiếp cận thực tế, ứng dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện và phục hồi chức năng.”

Trong phần trình bày chuyên môn, TS. Đào Văn Thâu đã giới thiệu chi tiết các giải pháp công nghệ hiện đại trong phân tích sinh cơ học, trong đó nổi bật là hệ thống Noraxon – một công cụ tiên tiến giúp phân tích hoạt động cơ bắp thông qua tín hiệu điện sinh học (EMG). Công nghệ này cho phép huấn luyện viên theo dõi chính xác sự phối hợp của các nhóm cơ trong quá trình vận động, từ đó đưa ra chương trình huấn luyện tối ưu và kịp thời phát hiện các nguy cơ chấn thương.
Đặc biệt, phần thực nghiệm tại chỗ đã được triển khai với sự tham gia của 5 vận động viên bóng ném tiêu biểu. Các bài kiểm tra được tiến hành bao gồm: đo sức mạnh cơ tối đa (MVIC) của các nhóm cơ chính, đánh giá kỹ năng ném bóng thông qua tín hiệu điện cơ, kết hợp bài kiểm tra bật nhảy và lực phát động. Những dữ liệu thu được minh chứng rõ nét cho tính khả thi và hiệu quả của công nghệ trong môi trường huấn luyện thể thao thực tế.

Phát biểu bế mạc, đại diện Ban Tổ chức cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sinh cơ học vào huấn luyện thể thao, đồng thời đề xuất các mô hình ứng dụng phù hợp với từng bộ môn và cấp độ vận động viên.

Hội thảo không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn tạo cơ hội trao đổi, kết nối giữa các đơn vị thể thao trong và ngoài TP.HCM, trong đó có sự tham dự của đại biểu đến từ các Trung tâm huấn luyện thể thao các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long… Khép lại chương trình, đại diện Trung tâm HL&TĐ TDTT TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ nhằm đưa các giải pháp khoa học – công nghệ hiện đại vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và thành tích thể thao cho Thành phố.
Phong Hải