Điều cha mẹ nên làm khi trẻ con mâu thuẫn
Mâu thuẫn giữa trẻ nhỏ khi chơi là điều hay xảy ra nhưng có điều ngày càng nhiều cha mẹ can thiệp thái quá vào chuyện của con trẻ dẫn tới điều đáng tiếc. Chia sẻ với PV Báo Gia đình và xã hội, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân (Trung tâm tư vấn tâm lý Phúc Ngân) cho rằng, điều khiến cho không ít bậc phụ huynh can thiệp thái quá vào chuyện của con trẻ khi chúng chơi với nhau cần phải xét ở các giả thiết khác nhau như:
Ảnh hưởng bởi cách giáo dục mà phụ huynh đó được thừa hưởng từ những thế hệ đi trước
Xuất phát từ những tổn thương mà bản thân phụ huynh đó đã từng trải qua dẫn đến lo sợ con mình cũng sẽ bị như thế, chẳng hạn như phụ huynh đó cũng từng bị bạn bắt nạt.
Thứ 3, xuất phát từ trình độ và khả năng nhận thức của phụ huynh. Họ nhận thức sai lầm về cách chăm sóc, yêu thương và bảo vệ con. Không cần biết đúng sai, ai đụng đến con mình là mình phải can thiệp. Điều này cũng có thể xuất phát từ việc phụ huynh đã không kiểm soát cảm xúc, hành vi của mình. Sự việc xảy ra khi chính phụ huynh đang có những bất ổn về tâm trạng hay cảm xúc tiêu cực, họ hành động mà không suy nghĩ gì đến hậu quả của những việc mình đang làm…
Tuy nhiên, dù vì điều gì phụ huynh cũng cần bình tĩnh để xác định được bản chất mâu thuẫn giữa trẻ là gì để đưa ra được hướng giải quyết hữu hiệu. Suy cho cùng, bất kể trẻ nào ở gần nhau quá lâu rồi cũng có lúc cãi lộn, thậm chí đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Vấn đề ở chỗ trẻ xử lý tình huống đó như thế nào để không dẫn đến mất mát trong tình bạn. Trẻ vốn vô tư nên có thể dễ bỏ qua để chơi với nhau tiếp. Bố mẹ can thiệp thái quá, không đúng cách còn đẩy mâu thuẫn lên cao.
Ảnh minh họa
Chuyên gia tâm lý Thanh Vân cho rằng, khi trẻ con mâu thuẫn, cha mẹ cần nhớ:
+ Hãy quan sát và đặt mình vào vị trí của những đứa trẻ, nghĩ như đứa trẻ để đoán biết trẻ sẽ phản ứng thế nào tiếp theo. Hãy để cho trẻ tự xử lý vấn đề của mình và chỉ can thiệp khi thấy có nguy cơ xảy ra việc trẻ gây tổn thương về mặt thể chất hoặc tinh thần cho nhau.
+ Phụ huynh nên giúp con mình kiểm soát cảm xúc, hành vi cho đến khi trẻ bình tĩnh. Sau đó hỏi xem con muốn giải quyết mâu thuẫn này thế nào? Hãy đặt câu hỏi để con nhận ra hậu quả nếu con có ý định không tích cực. Ví dụ khi hỏi con muốn xử lý việc này thế nào?, con trả lời: "Con muốn đánh cho bạn ý một trận".
Hãy hỏi con "điều gì sẽ xảy ra sau khi con đánh bạn?". Phụ huynh nên để trẻ tự đưa ra giải pháp của mình. Chỉ định hướng trẻ bằng những câu hỏi. Không lên án, phê phán hay chỉ trích với những phương án không tích cực mà hãy đặt câu hỏi để trẻ tự nhận ra đó là cách làm không hợp lý. Khi đó trẻ học cách xử lý vấn đề, biết cách phân tích dựa trên lý lẽ phải trái, đúng sai, nên hay không nên.
GS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cũng cho rằng, khi trẻ em mâu thuẫn với nhau, nếu mâu thuẫn ở trường, phụ huynh biết được nên phản ánh với thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm để phối hợp với gia đình đứa trẻ kia giáo dục. Tuyệt đối đừng để người lớn gây sự với trẻ trong nhà trường.
Trường hợp thấy hai đứa gây sự với nhau, trước hết phải can chúng ra nhưng can con mình đầu tiên chứ không phải là đối phương. Đừng can thiệp bằng cách bảo vệ con mình mà bạo hành con người khác. Mâu thuẫn bao giờ cũng đến từ hai phía nên phụ huynh chỉ chăm chăm bênh vực con thì cái con mất đi sẽ rất lớn. Đó là việc con hoàn toàn bị cô lập trong thế giới của chính con. Nếu cha mẹ bênh vực, can thiệp, con sẽ suy nghĩ mình không làm gì sai và không thay đổi.
Mẹo giúp trẻ học cách giải quyết xung đột
Trẻ em có thể giải quyết xung đột tốt như thế nào sẽ tùy vào độ tuổi, giai đoạn phát triển và kinh nghiệm sống của chúng. Một số mẹo giúp trẻ học cách giải quyết xung đột:
+ Học cách quản lý cảm xúc mạnh mẽ
Trẻ em có quyền cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ và thất vọng, điều quan trọng là chúng học được rằng la hét hoặc bị tổn thương về thể chất hoặc đe dọa không giúp giải quyết xung đột. Giúp trẻ học giữ bình tĩnh, chẳng hạn như hít một hơi thật sâu hoặc dừng lại và đếm đến mười là một phần quan trọng của quá trình giải quyết xung đột hiệu quả.
+ Nói và nghe
Giúp trẻ nhận ra giá trị của việc sử dụng từ ngữ và nói độc đáo để giải quyết xung đột. Trở thành một người lắng nghe tốt cũng rất quan trọng. Điều này có thể gặp khó khăn đặc biệt là khi chúng còn rất nhỏ hoặc đang giận dữ. Trong những trường hợp này, tốt nhất là đợi cho đến khi con bạn bình tĩnh trước khi tiến hành bất kỳ chiến lược giải quyết xung đột tích cực nào.
Dạy cho trẻ cách thỏa hiệp, tôn trọng lẫn nhau… để tự giải quyết xung đột chứ không phải sức mạnh tấn công. Sức mạnh tự vệ có thể đến từ lời nói. Đừng la hét hay giảng bài, chúng sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Cha mẹ học cách kiềm chế cơn giận cũng có thể dạy con cách quản lý chúng.
+ Kể chuyện của mình hồi nhỏ cho con rút kinh nghiệm hoặc lấy các câu chuyện của những người xung quanh. Cách này sẽ giúp con nghĩ ra cách giải quyết mà không cần sử dụng bạo lực.
+ Dạy con cách chấp nhận sai sót của mình và biết cách xin lỗi. Trước đó, phụ huynh cần trang bị cho con cách tránh xảy ra xung đột, trong đó bao gồm việc giao tiếp và hành xử đúng đắn với bạn bè. Dạy con đừng dồn bạn vào tình huống khiến bạn phải nghĩ đến việc đánh mình bằng cách nói xấu bạn, gây hấn với bạn trước…