Theo Nghị định 72 của Chính phủ, khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần. Như vậy, sẽ có 4 lần thay đổi giá điện trong 1 năm. Đợt điều chỉnh giá điện gần nhất là 11/10/2024. Sau đó, mức giá được áp dụng cho tới nay.
Theo VnExpress đưa tin, trong buổi họp báo diễn ra chiều nay (9/5), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra thông báo tăng giá điện. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh, tương đương tăng 4,8% (giá trên chưa bao gồm VAT). Đây là mức tăng tương tự với đợt tăng giá hồi tháng 10/2024.
Đây là đợt tăng giá điện đầu tiên trong năm nay.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau ngày 10/5/2025 | ||||
Bậc | Mức sử dụng | Giá cũ (đồng/kWh) |
Giá mới (đồng/kWh) (từ ngày 10/5) |
Tiền điện tăng (đồng/tháng) |
1 | 0-50 kWh | 1.893 | 1.984 | 4.550 |
2 | 51-100 kWh | 1.956 | 2.050 | 9.250 |
3 | 101-200 kWh | 2.271 | 2.380 | 20.150 |
4 | 201-300 kWh | 2.860 | 2.998 | 33.950 |
5 | 301-400 kWh | 3.197 | 3.350 | 49.250 |
6 | 401 kWh trở lên | 3.302 | 3.460 | 65.050 |
Nói về đợt tăng giá điện lần này, theo VnExpress dẫn lời ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, mức tăng như trên đã được cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) cũng như chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp. Với mức tăng giá điện như vậy, EVN ước tính mỗi hộ gia đình có thể phải trả thêm 4.350-62.150 đồng tiền điện/tháng.
Theo Dân trí, dựa trên bối cảnh EVN vẫn đang lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện, tập đoàn đã đưa quyết định việc tăng giá bán lẻ điện lần này.
Việc tăng giá điện lần này dự kiến sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng CPI 2025 tăng khoảng 0,09%. Đây là đánh giá do Cục Thống kê đưa ra.

Chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách) vẫn được áp dụng. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng chi phí tiền điện mỗi tháng cho các hộ gia đình, hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ bằng tiền tương ứng 30 kWh/tháng (tương đương 59.520 đồng). Các hộ chính sách cũng được hỗ trợ tương đương với điều kiện dùng ít hơn 50 kWh/tháng, tức là gần 56.800 đồng (chưa tính VAT).
Kể từ năm 2023, giá điện đã được EVN điều chỉnh 4 lần với các mức tăng lần lượt là 3%, 4,5%, 4,8% và 4,8% (trong năm 2023 có hai lần tăng giá điện). Tính từ năm 2023 tới nay, giá điện đã tăng 17%.
Cơ chế và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quan được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 72 của Chính phủ được ban hành ngày 28/3/2025. Theo đó, gái bán điện được điều chỉnh như sau:
- Giá điện sẽ được xem xét để thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 2% trở lên,
- EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 2-5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Trong trường hợp này, sau khi có ý kiến từ Bộ Công Thương, EVN sẽ quyết định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân.
- EVN chỉ được phép tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 5-10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.
- Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình trong trường hợp nếu giá bán lẻ điện bình quân cần tăng từ 10% trở lên. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, trước khi báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương có thể phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá.