Từ hai tiếng "đồng báo" trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hai tiếng ĐỒNG BÀO từ bản Tuyên ngôn Độc lập đã ngân vang qua không gian - thời gian lịch sử trở thành ký ức cao đẹp với mỗi người Việt Nam yêu quê hương đất nước

“Giọng của Người không phải sấm trên cao

Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước

Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”

(Tố Hữu - Sáng tháng Năm, 1951)

“ Ôi hai tiếng đồng bào, Tổ quốc

Đến hôm nay mới thuộc về ta

Trăm năm mất nước mất nhà

Hôm nay mới cất lời ca tiếng cười”

(Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960)

image-gallery-1630548705.jpg

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

1. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ (đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào cả nước!, “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ”. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, hơn một lần vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới, viết/ nói hai tiếng “đồng bào” vang lên vừa tự hào, vừa tha thiết, đặc biệt thấu cảm khi Người nhắc đến sự kiện: “Hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói” do hậu quả của hai tầng áp bức Pháp - Nhật, kể từ mùa thu năm 1940, khi phát xít Nhật xâm lược Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, mở cửa rước Nhật vào Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đồng bào ta vẫn giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo” đối với người Pháp trước sự kiện ngày 9-3-1945, kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật. Đó là khi Người nhấn mạnh đến truyền thống hòa hiếu, nhân đạo của người Việt Nam. Cũng trong bản Tuyên ngôn Độc lập, nhiều lần Người thay hai chữ “Đồng bào” bằng “Nhân dân ta”, “Những người yêu nước thương nòi”, “Nòi giống ta”, “Dân ta”, “Nhân dân cả nước ta”, “Toàn dân Việt Nam”, “Toàn thể dân tộc Việt Nam”.

Dù vỏ âm thanh có khác nhau nhưng người đọc nhiều thế hệ vẫn cảm nhận sâu sắc hai tiếng ĐỒNG BÀO như là linh hồn của câu chữ trong bản Tuyên ngôn Độc Lập, vừa như một văn kiện lịch sử vô giá, vừa như một áng văn chính luận mẫu mực trong di sản văn chương của Người. Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam, chưa có một bậc quân vương, lãnh tụ nào lại có tình cảm đặc biệt với đồng bào mình như vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hồ Chí Minh.

Nếu so sánh với bài “thơ thần” Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt, được ví von như “một bản hùng văn độc lập đầu tiên”) thì chỉ thấy nói đến vua chúa : “Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”(Sông núi nước nam vua nước nam ở/ Sách trời phân định đã rành rành/Cớ sao bọn bay đến xâm phạm/ Tất chuốc lấy thất bại thảm hại). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ Đất nước (1948-1955) đã viết hào sảng: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Nhà thơ Phêlích Pita Rôđrighết – Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba, đã viết bài thơ nổi tiếng Hồ Chí Minh – Tên Người là cả một niềm thơ với những câu thơ giàu tình cảm và triết lý: “Bởi vì Người đã đau nỗi đau của những vết thương/ trên mình mỗi em bé Việt Nam bị quỷ “Yanki” giết chết/ Khi giặc lái của Lầu Năm góc phá đổ mỗi ngôi nhà/ Thì lòng Người bỗng nhiên như sụp mái/ Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang/Một mảnh tim Người tự cháy xót xa/ Hồ Chí Minh, tên Người là cả đói ngày xưa/Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp/ Bởi vì Người đã mặc lên một tấm áo xác xơ/đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực/ Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc. (...)./ Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn/ Với ruộng đồng chết khát năm lại qua năm/ Và Người mang cấy lại trong lòng mình/ Mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ”.

2. Mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

 Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!”

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy Người cổ vũ, khích lệ, hiệu triệu đồng bào mình: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi của Người thấm đượm tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”

3. Mở đầu Thư gửi đồng bào cả nước (6-7-1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào yêu quý! Gần suốt một thế kỷ nhân dân ta đấu tranh anh dũng chống thực dân. Kết quả là Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập”. Sau khi phân tích tình hình đất nước từ Cách mạng tháng Tám (1945), đến Hiệp định Giơnevơ (1954), lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiến tới Tổng tuyển cử vào năm 1956, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, Người kêu gọi: “Hỡi toàn thể đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài! Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Lúc này, trong bối cảnh lịch sử mới, hai tiếng “Đồng bào” đã mở rộng đến “Kiều bào ở nước ngoài”. Đó là tầm nhìn của Lãnh tụ. Hiện nay, số người Việt Nam định cư ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới đã tăng nhanh (khoảng 5 triệu người) thì tư tưởng đoàn kết của Người, một lần nữa cần được nhận thức thấu triệt và thực hiện đầy đủ hơn bao giờ hết, vì: “Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng thắng lợi, kháng chiến đã thành công”.

4. Mở đầu Không có gì quý hơn độc lập tự do (đây là Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17-7-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào và chiến sỹ cả nước! Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta, nhưng chúng đang thua to”. Trong Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm sắt đá của dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Trong Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa hướng đến đồng bào và chiến sỹ thân yêu của mình: “Đồng bào và chiến sỹ yêu quý! Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”. Kết thúc lời kêu gọi là lời hiệu triệu từ trái tim và khối óc Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh: “Đồng bào và chiến sỹ cả nước, anh dũng tiến lên!”. Nếu quan tâm đến câu chữ, chúng ta sẽ thấy trong hai tiếng “Đồng bào” mà Lãnh tụ viết có cả ba thành tố “Đồng bào”, “Kiều bào” và “Chiến sỹ”. Mỗi khi Người sử dụng thành tố nào chúng ta nhận thức được bối cảnh lịch sử và tinh thần thời đại trong ý thức sử dụng câu chữ của Người với tư cách một nhà văn hóa, một nhà văn lớn của dân tộc thời hiện đại.

5. Mở đầu Di chúc (10-5-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Bao giờ Người, trong cách viết và cách nói, cũng đều hướng trước tiên đến “Đồng bào”. Cuối bản Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Hai chữ “Toàn dân” ở đây, chúng ta thấu hiểu chính là “Đồng bào” trong tâm cảm của Người trước lúc đi xa. Nhà thơ Tố Hữu đã viết những vần thơ vừa đau đớn vừa tự hào ngày Bác Hồ “lên đường nhẹ bước tiên”: “Như thế, Người đi phút cuối cùng/ Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung/ Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau, để nhớ chung” (Tố Hữu - Theo chân Bác, 1970). Lãnh tụ Hồ Chí Minh, người Việt Nam quen gọi Bác Hồ, suốt đời vì đồng bào mình: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” (Tố Hữu - Bác ơi, 1969). Mọi kiếp người, trong trường hợp này, chúng ta có thể cảm nhận, cả bằng tình cảm cả bằng lý trí, là “Đồng bào”.

 Vĩ Thanh: Trong thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại trên miền Bắc bằng không lực (bắt đầu từ 5-8-1964), ở các đô thị (thành phố, thị xã) thường bố trí những cụm loa công cộng có công suất lớn để thông báo cho cư dân địa phương biết tình hình chiến sự. Câu đầu tiên được phát trên loa, mỗi khi máy bay địch kéo đến đánh phá, tôi còn nhớ như in, đầy cảm xúc: “A lô!... Đồng bào chú ý! - được nhắc ba lần - máy bay địch còn cách thành phố/ thị xã chúng ta,...n...km! Đồng bào bình tĩnh và khẩn trương tìm chỗ ẩn nấp an toàn! Các lực lượng có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu!”. Khi máy bay địch đã tháo lui xa, loa công cộng lại vang vang lời động viên nhắc nhở: “A lô!... Đồng bào chú ý! -  vẫn được nhắc lại ba lần - máy bay địch đã bay xa, đồng bào bình tĩnh trở về vị trí công việc của mình và cảnh giác, thường xuyên theo dõi tình hình!”.

Hai tiếng ĐỒNG BÀO từ bản Tuyên ngôn Độc lập đã ngân vang qua không gian - thời gian lịch sử trở thành ký ức cao đẹp với mỗi người Việt Nam yêu quê hương đất nước.