Từ Công Vinh, đau đầu việc người nổi tiếng bị sử dụng hình ảnh quảng cáo

K.K
Việc các người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh, tên tuổi để quảng cáo không còn là chuyện hiếm... Những ngôi sao, gương mặt đang hút truyền thông càng dễ trở thành nạn nhân để các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh với mục đích thương mại.

Gần đây, xuất hiện nhiều đoạn clip có hình ảnh của cựu tiền đạo Lê Công Vinh đang quảng cáo cho một ứng dụng liên quan đến bóng đá và thể thao có tên là BK8. Tìm kiếm từ khóa BK8 trên Google, kết quả trả về hàng đầu cho thấy đây là một ứng dụng đánh bạc, cá cược bóng đá và thể thao.

a-162255249186132438519-1622594039.png

Hình ảnh của Công Vinh xuất hiện trong đoạn quảng cáo

Kiểm tra cho thấy miền này được đăng ký từ năm 2019. Mặc dù, giới thiệu là ứng dụng/website xem TV Online nhưng tính năng xem TV trực tuyến không hoạt động. Trên website hay ứng dụng của BK8 xuất hiện rất nhiều trò chơi cá cược, đánh bạc, thậm chí còn dẫn tới cả một sàn cá độ trực tuyến. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người tham gia gửi tiền ảo vào để chơi, một điều chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Ngay sau đó, Công Vinh đã chính thức có lời xin lỗi cũng như đính chính trên trang cá nhân. Anh còn tung ra những bằng chứng nhãn hàng đã vi phạm hợp đồng so với những thoả thuận ban đầu. 

192132173-1427400834261401-1527393710375668634-n-1622594038.jpeg

Tâm thư đính chính của anh

Trong tâm thư đính chính, ông xã Thuỷ Tiên nhấn mạnh: "Bản thân Vinh là người rất ghét việc cá độ bóng đá vì đây là hành vi xấu trái pháp luật. Sau khi nhận được thông tin, tuần rồi đại diện của bên Vinh đã làm việc xác minh và nhờ luật sư vào cuộc. Đối với Vinh, việc tiếp tay cho các sản phẩm như vậy chính là hành vi thiếu đạo đức với công chúng. Vinh ý thức được sự ảnh hưởng của mình phải mang lại lợi ích cho người khác, không vì đồng tiền mà làm hại đến người khác và tổn phúc của mình".

Rất quyết liệt, Công Vinh còn tung luôn tin nhắn và email phản hồi sẽ chính thức đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu phía nhãn hàng tháo bỏ mọi hình ảnh liên quan đến anh. 

Công Vinh khẳng định sau sự cố này sẽ không nhận quảng cáo hay làm đại diện cho bất kì ứng dụng bóng đá nào.

Ngoài ra, gần đây Quyền Linh thông báo anh chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo với các loại thuốc nhạy cảm như xương khớp, ung thư, trĩ nội ngoại, hôi nách, bướu cổ, tuyến giáp...

191977686-1427400850928066-5626889231261818500-n-1622594038.jpeg

 Chia sẻ của Quyền Linh

"Tôi chưa bao giờ hợp đồng quảng cáo thuốc rởm. Nếu họ cố tình ghép hình tôi để trục lợi thì đó là những kiểu kinh doanh cẩu thả, không có đạo đức. Cả nhà hãy tránh xa những thương hiệu đó và báo ngay với các cơ quan pháp luật nhé. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng vào cuộc phạt thật nặng những ai đã dùng hình ảnh của người khác mà chưa được sự đồng ý của họ để quảng cáo trái phép, gây hiểu lầm đến người tiêu dùng", nam nghệ sĩ chia sẻ.

Trên thực tế, Quyền Linh từng nhiều lần thông báo hình ảnh của anh bị sử dụng quảng cáo trái phép để bán thuốc. Anh tham gia một số chương trình về sức khoẻ trên truyền hình, và một số nhãn hàng đã cắt ghép hình của để quảng cáo trái phép, thậm chí làm video ghép hình và ghép tiếng tinh vi. Nam nghệ sĩ cảnh báo những ai đang dùng hình của anh trái phép để quảng cáo thì nên dừng lại.

188238933-1427403174261167-5210603812962228708-n-1622594038.jpeg

Bên cạnh Quyền Linh, thì Ốc Thanh Vân, Đan Trường gần đây cũng lên tiếng về việc sử dụng hình ảnh trong quảng cáo

Mức phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng

Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm

Như vậy, điều hiển nhiên việc tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự cho phép là vi phạm pháp luật. Và những người bị sử dụng hình ảnh cá nhân cho việc quảng cáo mà không có sự đồng ý của họ, hoàn toàn có quyền kiện các cá nhân, đơn vị có hành vi xâm phạm hình ảnh, đồng thời buộc phải bồi thường thiệt hại.

Cho dù điều luật rõ ràng như vậy, nhưng thời gian qua, dường như giới văn nghệ sĩ không mấy ai tìm đến pháp luật để bảo vệ hình ảnh cho mình. Còn những cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép lâu nay khi bị "đánh động" cũng chỉ cần gỡ bỏ hình ảnh là xong, ít khi bị cơ quan chức năng xử lý. Thực tế này càng khiến tình trạng lạm dụng, khai thác hình ảnh cá nhân của nghệ sĩ, người nổi tiếng trở nên "loạn".

Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp phát hiện tên tuổi của mình bị sử dụng trái phép, các nghệ sĩ nhất thiết phải đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm. Việc kiên quyết giải quyết triệt để các vụ việc sẽ là hồi chuông cảnh báo, răn đe và ngăn chặn hữu hiệu những hành vi lạm dụng hình ảnh để quảng cáo trái pháp luật.

Bên cạnh đó, trong môi trường kinh doanh kiểu "tranh tối tranh sáng" trên mạng xã hội, chính người tiêu dùng cũng phải nâng cao ý thức cảnh giác, thẩm định nguồn tin kỹ càng trước khi quyết định mua một sản phẩm nào có gắn với hình ảnh.