Ngày 3/7/2025, hơn 100 cán bộ quản lý, huấn luyện viên đến từ các liên đoàn, hiệp hội, đơn vị thể thao TP.HCM, trong đó có đông đảo lực lượng đến từ ngành võ thuật, đã tham dự hội thảo chuyên đề “Vai trò của truyền thông – báo chí trong việc phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn TP.HCM”. Đây không chỉ là sự kiện học thuật, mà còn là dịp để kết nối, mở rộng tư duy làm nghề của những người trực tiếp cống hiến cho phong trào thể thao cơ sở – đặc biệt là với các HLV võ thuật.
Truyền cảm hứng từ chính câu chuyện về võ
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ – Nhà báo Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU), từng là vận động viên, huấn luyện viên và gắn bó với thể thao Việt Nam hơn 25 năm, đã chia sẻ đầy xúc động:

“Bản thân các huấn luyện viên võ thuật đang sở hữu kho tư liệu vô giá – đó là những buổi tập khuya, những bài sát hạch, những giọt mồ hôi và câu chuyện vượt khó của từng môn sinh. Nếu mình biết cách kể lại, dù chỉ bằng một đoạn video ngắn, một tấm ảnh đẹp hay vài dòng cảm xúc – thì chính các thầy cô đã trở thành một nhà truyền thông thực thụ.”
Thông điệp ấy chạm đến trái tim nhiều huấn luyện viên, vốn lâu nay vẫn chỉ quen với võ đài, giáp tập và giáo án. Họ bắt đầu nhìn nhận lại vai trò “người kể chuyện” của mình với một thái độ chủ động và trách nhiệm hơn.


Truyền thông thể thao trong thời đại số: cần kỹ năng – cần công cụ – cần đột phá
Tiếp nối chương trình, chuyên gia Nguyễn Đức Hiếu – Giám đốc Công ty Truyền thông Nghệ Lean Brew – mang đến cách tiếp cận mới mẻ và thực tế: “Chúng ta đang bước vào thời đại mà AI, dữ liệu lớn, nền tảng số không còn là khái niệm xa vời. Ngay chính các huấn luyện viên, cán bộ thể thao cơ sở hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ viết tin nhanh, tạo ảnh, dựng video cơ bản trên điện thoại di động, qua đó đăng tải lên mạng xã hội, báo điện tử, fanpage đơn vị… để xây dựng hình ảnh và kết nối với người hâm mộ.”

Không khí hội thảo trở nên sôi nổi khi bước vào phần hướng dẫn thực hành của nhà báo – nhiếp ảnh gia Nguyễn Quang Liêm (Báo Người Lao Động), người từng là VĐV võ thuật TP.HCM.

Một bức ảnh đẹp trong võ thuật không chỉ cần kỹ thuật mà còn phải nắm bắt được cảm xúc và thời điểm. Các HLV có thể dùng điện thoại ghi lại khoảnh khắc thi đấu, luyện tập – một ánh mắt quyết tâm, một cú ra đòn đẹp – để chia sẻ lên mạng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho bộ môn.” - Ông chia sẻ.
Sau phần hướng dẫn, học viên được trực tiếp thực hành quay – chụp – dựng clip tại lớp. Nhiều người bất ngờ nhận ra khả năng “làm được nhiều hơn mình nghĩ”, từ đó mở ra mong muốn được đào tạo bài bản hơn trong tương lai.
Truyền thông là chìa khóa phát triển phong trào thể thao đô thị
Tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Lý Đại Nghĩa, Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT TP.HCM khẳng định:“Chúng tôi đánh giá rất cao sự đồng hành của các nhà báo, chuyên gia truyền thông trong việc hỗ trợ lực lượng HLV, đặc biệt ở lĩnh vực võ thuật. TP.HCM đang vươn lên thành siêu đô thị hiện đại, trong đó truyền thông – báo chí sẽ đóng vai trò then chốt để lan tỏa những giá trị thể thao tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.”

Ông cũng cho biết nhiều HLV bày tỏ mong muốn trở thành cộng tác viên truyền thông, góp phần đưa hoạt động chuyên môn của võ thuật cơ sở đến gần hơn với công chúng.
Một bước đi đúng – một mô hình cần nhân rộng
Hội thảo được xem là mô hình hiệu quả và cần nhân rộng, nhất là trong bối cảnh phong trào võ thuật TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ ở các tuyến năng khiếu, phong trào học đường và cấp quận huyện.

Mỗi HLV nếu có tư duy truyền thông, được kết nối và nâng cao năng lực, sẽ là một “đài phát sóng nhỏ” trong hệ sinh thái thể thao đô thị – góp phần lan tỏa tinh thần võ đạo, khát vọng sống khỏe – sống đẹp – sống có trách nhiệm đến xã hội.
Xem thêm một số khoảnh khắc đang nhớ tại hội thảo chuyên đề “Vai trò của truyền thông – báo chí trong việc phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn TP.HCM”










Bài & ảnh: Theo Ban Truyền thông – Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TP.HCM