
Chiều ngày 14/4, hình hài của một sân khấu hoành tráng đã hiện rõ. Một khán đài dài gần nửa cây số, kéo dài từ ngã tư Phạm Ngọc Thạch đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đã cơ bản dựng xong phần khung.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, công trình này có quy mô lớn hơn hẳn so với 10 năm trước, với sức chứa lên đến 5.260 đại biểu (tăng hơn 1.600 người), được chia thành 3 khu A, B, C.
Để "đại công trường" này về đích đúng hẹn, giao thông qua đường Lê Duẩn và Pasteur những ngày qua được điều tiết hạn chế. Lực lượng CSGT túc trực phân luồng, cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Điểm nhấn của sân khấu năm nay không chỉ nằm ở quy mô. Sàn sân khấu được ốp gỗ tỉ mỉ, đảm bảo an toàn cho các tiết mục nghệ thuật. Đặc biệt, thay vì huy động lực lượng lớn đồng diễn xếp hình như trước, Ban Tổ chức ứng dụng mạnh mẽ công nghệ với hệ thống màn hình LED hiện đại được lắp đặt xen kẽ cả trên khán đài và sân khấu, hứa hẹn mang đến những hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, truyền tải sống động không khí buổi lễ.
Không chỉ khu vực trung tâm lễ đài, 20 màn hình LED cỡ lớn khác cũng đang được lắp đặt khắp các tuyến đường trung tâm (Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi...) để phục vụ người dân và du khách không có điều kiện vào khu vực chính.
Tất cả đang gấp rút chuẩn bị cho thời khắc 6h30 sáng 30/4 sắp tới, khi khoảng 13.000 người thuộc 48 khối diễu binh, diễu hành sẽ bắt đầu cuộc hành trình lịch sử từ ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Buổi lễ sẽ được điểm tô bằng 21 loạt đại bác vang rền, màn trình diễn hùng hậu của không quân với trực thăng Mi-8, Mi-17, chiến đấu cơ Yak-130, Su-30MK2, và cả sự góp mặt của quân đội các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và hiện đại cho thấy TP.HCM đã sẵn sàng cho một Lễ Kỷ niệm 50 năm thật sự đáng nhớ và tự hào.