Trong văn hóa truyền thống Á Đông, đặc biệt là trong lối sống của người Việt, những phép tắc trong ứng xử gia đình và xã hội luôn được đề cao và duy trì từ đời này sang đời khác. Một trong những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại phản ánh sâu sắc đạo lý, vị thế và văn hóa giao tiếp, đó chính là việc rửa bát.
Rửa bát – chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ
Trong đời sống, thông thường việc rửa bát là một việc làm thường của người thấp bé nhất trong nhà, hoặc của người gánh vác việc nội trợ, hoặc của người giúp việc.
Trong khi đó khách là ở vị trí được tiếp đón, được trân trọng. Do đó hiện tượng khách rửa bát, dù là khách chủ động hay do gia chủ có ý để khách rửa thì đều là hai hình thức giao tiếp bộc lộ những điểm không phù hợp.

Rửa bát vốn dĩ không bị đánh giá ở việc nặng nhọc hay không nặng nhọc mà bị đánh giá ở việc vị trí người rửa bát, vị trí công việc này có được coi trọng hay không. Công việc hậu cần này thường diễn ra sau bữa ăn, trong khi những người vị trí cao trong gia đình thì ngồi xơi nước mời trà nói chuyện vui vẻ, người thấp bé mới phải ngồi sau nhà rửa bát. Nên việc rửa bát trong thâm ý của người xưa là bộc lộ về cách ứng xử, thể hiện sự tôn trọng cho nhau. Nhìn vào đó để biết gia chủ thế nào, khách ra sao.
Thế nên người xưa nói sợ nhất lần đầu làm khách phải rửa bát, bởi điều đó bộc lộ những điều tiêu cực về mối quan hệ.
Khách chủ động rửa bát – hạ thấp vai trò, bị rửa bát càng đáng sợ
Ở góc độ làm khách, người khách cũng không cần rửa bát trong lần đầu tới chơi. Việc rửa bát khi đi làm khách có thể gây hiểu nhầm rằng bạn chưa biết giữ khoảng cách trong ứng xử xã giao. Nếu quá nhiệt tình, bạn có thể khiến chủ nhà cảm thấy ngại ngùng, trong khi nếu từ chối khéo léo, bạn lại giữ được hình ảnh lịch sự, tinh tế và đúng mực.
Đặc biệt, với các cuộc gặp mặt quan trọng như ra mắt nhà chồng hoặc nhà vợ tương lai, nhiều người lớn quan niệm rằng con gái hoặc con trai nếu quá nhanh nhảu vào bếp, rửa bát, có thể vô tình “lộ tướng thiệt thòi”. Với con gái, hành động đó đôi khi bị xem là "làm dâu sớm", thể hiện rằng bạn quá xuề xòa, dễ bị xem nhẹ sau này khi về làm dâu.
Ngược lại, với con trai, nếu vào bếp rửa bát trong lần đầu ra mắt, có thể khiến gia đình bên kia đánh giá là “sợ vợ từ lúc chưa cưới”. Dù suy nghĩ này mang màu sắc truyền thống, đôi khi chưa phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng vẫn tồn tại khá phổ biến trong văn hóa ứng xử của nhiều gia đình.
Hơn nữa trong việc rửa bát thường có tiếng va chạm loảng xoảng bát đĩa, và cũng rất dễ có chuyện không quen vị trí, không quen thao tác mà rơi vỡ. Âm thanh loảng xoảng, tiếng rơi vỡ này là điềm báo không may mắn.
Ngoài ra việc trang phục mặc tới làm khách thường là trang trọng, trong khi rửa bát cần trang phục lao động thuận tiện hơn. Và khi rửa bát dễ bị ướt, bẩn, dính bọt xà phòng nên sẽ biến khách mất đi uy nghiêm của mình. Điều đó làm xấu hình ảnh của khách.
Thế nên nếu chủ động rửa bát là hạ thấp bản thân còn nếu bị cho đi rửa bát thì là bị coi thường.
Đặc biệt trong lời nhắc này, người ta thường chú ý tới trường hợp con gái lần đầu làm khách nhà chồng tương lai. Nếu lần đầu tiên ra mắt nhà chồng tương lai mà đã vào rửa bát hoặc phải rửa bát thì đó là điều đáng bàn. Bởi như vậy là nhà chồng tương lai đã không coi trọng người con gái này nên con đường làm dâu về sau sẽ khó khăn.
Hơn nữa nếu người con gái lần đầu tiên tới làm khách đã xuề xòa vào rửa bát thì đã đặt mình ở vị trí người hậu cần, người nội trợ, người thấp trong nhà. Điều đó là dại ngay từ bước đầu. Trong nếp sống người Á Đông xưa, ai phải rửa bát trong nhà thì người đó thấp cổ bé họng, vào nhà nhìn ai rửa bát là biết vị trí của họ trong gia đình. Thế nên người xưa mới nói sợ lần đầu tiên làm khách đã rửa bát.
Trong đời sống hiện cuộc sống linh hoạt hơn nhưng việc rửa bát vẫn là vấn đề cực kỳ tế nhị, ảnh hưởng tới mối quan hệ. Thế mới có chuyện mạng xã hội bàn tán sôi nổi việc sau đám cưới, trong lần ra mắt, cô gái phải ngồi 1 mình rửa mấy mâm bát, nhiều cô đã nói lời "tạm biệt" luôn vì cách ứng xử này của phía nhà chồng.
Làm chủ nhà để khách rửa bát vừa thiếu tôn trọng vừa "lộ" điều không hay
Không chỉ là chuyện của khách, việc gia chủ để khách phải rửa bát cũng phản ánh phần nào sự thiếu chu đáo của gia chủ và có thể bị cho là đang hạ thấp vai trò của khách. Trong phép lịch sự và đạo lý làm người, khi đã mời khách đến nhà, bạn cần đảm bảo sự tiếp đón trọn vẹn – từ bữa ăn đến cả cách tiễn khách. Nếu để khách phải động tay vào những công việc như rửa bát, dọn dẹp thì chẳng khác nào bạn đang “chia sẻ việc nhà” một cách không phù hợp, khiến khách cảm thấy bị động chạm đến lòng tự trọng.
Nghiêm trọng hơn, trong một số tình huống, việc chủ nhà để khách rửa bát thể hiện sự coi thường khách, thậm chí là cố tình hạ thấp vai trò của khách. Điều đó báo hiệu một mối quan hệ không tốt đẹp.
Ngoài ra nơi rửa bát cũng thường là nơi có nhiều chuyện bàn tán về gia đình, nơi có thể bộc lộ những chuyện tế nhị trong gia đình. Ví dụ như những người ấm ức trong nhà có thể nói ra những chuyện không hay trong gia đình, những người giúp việc dị nghị về gia chủ...
Việc sắp xếp trong bếp cũng bộc lộ rất rõ tính cách gia chủ, nề nếp gọn hay bừa bộn, đôi khi cả sự giàu nghèo trong đó. Thế nên nếu khách xuống đó rửa bát có thể nghe được những điều không hay về chủ nhà, có thể đánh giá được về gia chủ nhiều hơn khiến cho mối quan hệ có thể mất điểm.
Bởi những điều trên nên người xưa mới nói sợ nhất lần đầu làm khách đã rửa bát. Đây là nỗi sợ dành cho cả phía chủ nhà và phía khách. Nếu khách là người con gái tới ra mắt hoặc người có vị trí tương quan thấp hơn (ví như người họ hàng, ví như người là đồng nghiệp, cấp dưới...) thì khi tới làm khách mà phải rửa bát thì họ sợ gia chủ. Còn nếu khách ở vị trí tương quan cao mà xuống rửa bát thì nỗi lo cho gia chủ, có thể hành động đó đang là đề dò xét gia chủ.
Bởi thế khi đi làm khách lần đầu nếu muốn mối quan hệ tốt đẹp thì, khách không nên hạ thấp mình rửa bát, chủ nhà càng không nên để khách vào rửa bát. Trong một số trường hợp, gia chủ ít người, toàn người lớn thì khách có thể hỗ trợ nhưng lúc đó là cả chủ nhà và khách cùng làm và đôi bên vui vẻ tự nguyện.
Chuyện rửa bát khi đi làm khách tuy nhỏ nhưng lại là thước đo tinh tế trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Biết lúc nào nên, lúc nào không, và ứng xử thế nào cho khéo là cách giúp bạn duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội bền vững. Hãy để những hành động nhỏ nhưng đúng mực giúp bạn ghi điểm trong mắt người khác và giữ trọn đạo nghĩa giữa người với người.