Người xưa nói rằng con người khi mà dục vọng lớn thì khó giữ đạo nghĩa, lo âu quá nhiều thì trí tuệ suy tàn, hoảng sợ quá lớn thì mất đi dũng khí. Khi rơi vào tình huống này con người khó mà làm nên việc lớn, cuộc đời sẽ suy tàn.
1. Dục vọng lớn khó giữ đạo nghĩa
Con người ai cũng có những nhu cầu từ vật chất tới tinh thần. Nhưng khi lòng tham quá lớn, dục vọng cao thì người ta sẽ dễ bị dụ dỗ, bị đồng tiền làm cho mờ mắt, bị quyền lợi làm cho mất đi lòng chân thành.
Thứ có thể làm đảo ngược đạo nghĩa chính là lòng tham của con người. Con người không kiểm soát được ham muốn của mình, cố bằng mọi giá để đạt được thì sẽ phạm vào những đạo lý ở đời.

Vì tham lam nên anh chị em trong gia đình tranh đua với nhau. Vì tham lam, muốn thỏa mãn dục vọng của cá nhân mà tình bằng hữu trở mặt thành thù.
Một người khi không có lòng tham thì rất khó bị dẫn dụ. Kẻ tham lam thì dễ bị lừa. Thế nên mới nói người ít dục vọng, kiểm soát được dục vọng thì đó là người bản lĩnh và khó mua chuộc nhất.
2. Lo âu quá nhiều thì trí tuệ kém sáng suốt
Con người khi lo âu suy nghĩ quá nhiều thì sẽ mệt mỏi rồi suy diễn luẩn quẩn lung tung. Điều đó dẫn tới các quyết định kém sáng suốt.
Những cảm xúc lo âu khiến chúng ta không thể bình tĩnh, không tĩnh tâm để suy nghĩ, để nhìn nhận mọi việc được. Con người một khi không tĩnh tâm, bị xáo trộn thì nhiều tạp niệm nên mọi thứ rối như tơ vò.
Thế nên muốn đánh gục lý trí của ai đó thì người ta sẽ làm cho họ rối trí lên, dùng cách kích động dẫn tới lo âu, suy nghĩ, tưởng tượng nhiều.

Bởi thế khi bạn gặp người trí tuệ cao sẽ thường thấy ở họ một sự điềm tĩnh đến ngạc nhiên. Điềm tĩnh chính là một cảnh giới cao để người ta có thể nhìn thấu thế gian, nhìn xa, nhìn rộng hơn người khác.
Lo âu khiến bạn không thể tập trung toàn bộ năng lượng vào bất cứ việc gì, cứ nhấp nhổm đang làm thứ này lại nghĩ ngợi sang thứ khác. Bởi thế những người hay lo âu thì hay hỏng việc hoặc kết quả hời hợt.
Hãy nhớ những gì giải quyết được thì không cần lo nghĩ nhiều, nếu không giải quyết được thì lo nghĩ chỉ thêm mệt mỏi.
3. Sợ hãi lớn thì mất dũng khí
Con người khi đứng trước một nỗi sợ hãi quá lớn thì người ta nhũn như con chi chi. Thế nên muốn giảm nhuệ khí thì người ta dùng những cách để làm tinh thần người khác hoảng sợ.
Muốn đánh bại ai thì cần biết nỗi sợ lớn nhất của họ là gì. Khi biết nỗi sợ của người khác thì ta dễ đánh gục được họ. Bởi con người là thế, đứng trước nỗi sợ của bản thân mình, nếu nỗi sợ đó lớn thì người ta mất dũng khí, không còn sự uy nghi của bản thân mình nữa.

Thế nên một người không sợ gì mới là đáng sợ nhất. Còn khi trong người còn những nỗi sợ thì người ta còn bị kéo lùi lại bởi nhiều thứ.
Sống ở đời, nếu giữ trong tay 3 thứ là dục vọng, lo âu và nỗi sợ hãi thì cuộc sống sẽ rơi vào những luẩn quẩn, không thể thẳng tiến, dễ sa vào những hành vi trái luân thường, phạm pháp. Lúc đó con người khó có thể bảo vệ được chính nghĩa, khó giữ mình và dễ rơi vào những quyết định để rồi phải hối hận. Cuộc đời là một chuỗi nhân quả. Thế nên người giác ngộ, người an nhiên bình thản, không dễ bị đánh gục chính là người ít ham muốn cá nhân, người lạc quan bình tĩnh, hiểu được sự vô thường trong đời sống này.