Thuở xa xưa, khi chữ viết chưa phổ biến, người xưa thường truyền đạt kinh nghiệm sống và triết lý cuộc đời qua lời nói, đặc biệt là dưới dạng những câu ca dao dễ nhớ, dễ truyền miệng – thường theo thể thơ lục bát.
Một trong những câu ca dao nổi tiếng đã khái quát sâu sắc rằng: “Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, nhận nợ, gác cu, cầm chầu.”
Cái ngu “làm mai”
Từ xa xưa, ông bà ta xem việc “làm mai” – tức đứng ra se duyên cho người khác – là điều dại dột bậc nhất. Khác với dịch vụ mai mối chuyên nghiệp ngày nay, người làm mai thời xưa thường là người quen trong làng, tự nguyện đứng ra kết nối đôi bên, đôi khi chỉ nhận chút lễ nghĩa tượng trưng như tiền trà nước.
Tuy nhiên, chuyện mai mối không phải lúc nào cũng êm đẹp. Nếu đôi trẻ sống hạnh phúc, người làm mai được cảm ơn, nhưng nếu cuộc hôn nhân không trọn vẹn, xảy ra xung đột hay tan vỡ, chính người làm mai sẽ bị trách móc, cho rằng đã giới thiệu sai người, che giấu thông tin hoặc thiếu hiểu biết.
Trên thực tế, chẳng ai có thể hiểu hết nội tình của cả hai gia đình. Vì vậy, nếu lỡ mai mối mà đôi bên xảy ra mâu thuẫn, người làm mai rất dễ bị “ném đá” từ cả hai phía. Chính vì thế, tổ tiên mới đúc kết: “Làm mai” là cái ngu đầu tiên mà con người nên tránh.

Cái ngu “lãnh nợ”
Đứng ra bảo lãnh cho người khác vay tiền tưởng là việc làm nghĩa tình, nhưng theo kinh nghiệm dân gian, đó lại là cái ngu thứ hai. Trong trường hợp suôn sẻ, người vay trả tiền đầy đủ, không có vấn đề gì. Nhưng khi người vay vỡ nợ, mất khả năng chi trả, thì người đứng ra bảo lãnh lại là người gánh hậu quả.
Bạn sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: bên cho vay thúc ép, bên được vay thì chối bỏ trách nhiệm, thậm chí quay sang trách ngược bạn. Cả hai phía đều có thể quay lưng, khiến bạn không chỉ thiệt hại vật chất mà còn mất luôn các mối quan hệ thân tình. Chính vì vậy, người xưa mới cảnh báo: “Lãnh nợ” là tự rước phiền toái vào thân, dại dột chẳng khác gì tự buộc đá vào chân.

Cái ngu “gác cu”
Từ xưa đến nay, việc “gác cu” – tức săn bắt chim cu gáy bằng chim mồi – là thú vui tao nhã của nhiều người, đặc biệt ở vùng nông thôn. Tuy chỉ là trò giải trí, nhưng để có một buổi đi bẫy chim, người chơi phải bỏ ra không ít công sức: từ chọn giống chim mồi, nuôi nấng, huấn luyện, đến việc tìm nơi lý tưởng để gác bẫy.
Thế nhưng, kết quả lại không hề chắc chắn. Có khi ngồi cả ngày trời mà không bẫy được con nào, thậm chí con chim mồi quý cũng có thể bay mất. Sự thất bại ấy khiến người ngoài nhìn vào chỉ thấy “ngu công gác cu” là trò vừa mất thời gian, vừa rước bực vào thân. Bởi vậy, tổ tiên mới coi đây là một trong bốn cái ngu tiêu biểu của đời người.
Cái ngu “cầm chầu”
“Cầm chầu” vốn là nghi thức trong các buổi hát ca trù hay hát ả đào xưa. Người cầm chầu có nhiệm vụ đánh trống để tán thưởng hoặc chê bai các câu hát, đoạn đàn – vừa là người thưởng thức, vừa là người phán xét. Vai trò này tưởng là vinh dự, nhưng thực tế lại vô cùng nhạy cảm.
Vì lời chê có thể làm mất lòng người biểu diễn, lời khen không khéo lại bị xem là thiên vị, người cầm chầu rất dễ rơi vào tình huống khó xử, chưa kể còn phải chi tiền “bo” nhiều để được tôn trọng. Do đó, ông bà ta mới đúc kết: “cầm chầu” là cái ngu, bởi tham gia vào chuyện phán xét nghệ thuật không chỉ hao tiền mà còn dễ mang tiếng, chuốc họa vào thân.