Vào tháng 5/2022, một vụ án triệt phá đường dây lừa đảo quy mô lớn chuyên bán thực phẩm chức năng giả cho người cao tuổi đã gây chấn động dư luận Trung Quốc.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra rà soát, cảnh sát khu vực thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã phát hiện hoạt động đáng ngờ từ một cơ sở bán thực phẩm chức năng không có mặt tiền kinh doanh mà chỉ được đặt bên trong một khu dân cư.
Nghi ngờ tính hợp pháp của cửa hàng, cảnh sát đã âm thầm theo dõi và nhận thấy các sản phẩm được bán ra không hề có đóng ký hiệu “mũ xanh” - một chứng nhận bắt buộc đối với thực phẩm chức năng tại Trung Quốc.
Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định cửa hàng này chỉ bán sản phẩm cho người trên 50 tuổi và chủ yếu bán qua mạng. Riêng tại thành phố Hoài Nam, hệ thống này đã mở thêm 3 cửa hàng tương tự với vai trò là đại lý phân phối sản phẩm. Vì được hoạt động giống như một công ty hợp pháp, nhiều người cao tuổi đã dễ dàng tin tưởng và mua hàng tại cơ sở này.
Khi mở rộng điều tra, cảnh sát phát hiện đứng sau các cửa hàng này là một công ty có trụ sở chính tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Công ty này được tổ chức bài bản với hơn 600 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành khắp Trung Quốc, thu hút hơn 260.000 khách hàng, phần lớn là người cao tuổi. Đội ngũ nhân sự của công ty còn có sự phân công rõ ràng, bao gồm các phòng ban như đào tạo, chăm sóc khách hàng, truyền thông trực tuyến và phát triển đại lý.

Cơ quan chức năng kiểm tra trụ sở bán thực phẩm chức năng giả được đặt tại khu dân cư
Qua phân tích dòng tiền, cơ quan điều tra xác định thủ phạm chính là 2 người mang họ Doãn và họ Trương. Chỉ trong vòng 1 năm, 2 người này sở hữu các tài khoản ngân hàng có tổng dòng tiền lên tới hơn 3 tỷ NDT (hơn 10 nghìn tỷ đồng), cho thấy quy mô và mức độ tinh vi của đường dây lừa đảo.
Ngày 30/5/2022, lực lượng chức năng đồng loạt triển khai các đợt truy quét tại Hoài Nam và trụ sở công ty tại Duy Phường. Kết quả bắt giữ 26 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật như máy tính, điện thoại di động, sổ ghi chép kịch bản tư vấn, nhật ký công việc và sổ ghi đơn hàng.
Qua lời khai, hai đối tượng chính cho biết trước đây từng làm việc trong ngành kinh doanh thực phẩm chức năng. Đén cuối năm 2020, họ gặp nhau tại một hội chợ thực phẩm ở Sơn Đông và quyết định cùng nhau thành lập công ty.
Cả hai nhanh chóng phát triển mạng lưới đại lý trên toàn Trung Quốc, đồng thời xây dựng hệ thống bán hàng chuyên nghiệp thông qua các buổi livestream, mời “chuyên gia” tư vấn và kịch bản tiếp cận khách hàng được đào tạo bài bản.
Đáng nói, sản phẩm được tiêu thụ thực chất chỉ là kẹo do một nhà máy bánh kẹo sản xuất, có giá thành khoảng 10 NDT (khoảng 36 nghìn đồng) mỗi gói, nhưng được đóng gói như thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh và bán ra với giá cao.
Hai kẻ chủ mưu khai rằng chỉ trong hơn 1 năm, mỗi người đã thu về gần 100 triệu NDT (hơn 350 tỷ đồng). Khi kiểm tra tài khoản ngân hàng của vợ người họ Doãn, cảnh sát phát hiện số dư lên tới hơn 20 triệu NDT (khoảng 72 tỷ đồng). Tại nhà riêng của họ, cơ quan chức năng còn phát hiện 38 kg vàng trị giá hơn 15 triệu NDT (hơn 53 tỷ đồng) do Doãn mua về cất giữ vì lo ngại lượng tiền bất chính trong tài khoản quá lớn, muốn để lại tài sản cho con gái.
Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện tài khoản ngân hàng người họ Trương có số dư hơn 40 triệu NDT (hơn 143 tỷ đồng).

Số vàng khủng bị tịch thu tại căn nhà của kẻ chủ mưu
Sau khi triệt phá toàn bộ đường dây lừa đảo, cảnh sát đã áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự theo quy định pháp luật Trung Quốc với những kẻ chủ mưu và toàn bộ các đối tượng liên quan. Vụ án là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội, đặc biệt là với người cao tuổi trước những chiêu trò tinh vi và sự tổ chức bài bản của các đường dây lừa đảo đội lốt kinh doanh.
Nguyệt Thảo