Thuê bao di động sai thông tin sẽ bị khóa từ 31/3

Sau 31/3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa chiều gọi đi. 

Thông tin mới nhất trên báo Tri thức trực tuyếnVnexpress cho biết mới đây, Cục Viên thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho đến ngày 31/3, các thuê bao di động đều sẽ phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Trong thời gian tới, các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp sẽ tiếp tục nhận được cảnh báo từ nhà mạng. 

1doi-du-lieu2-1678702886.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 13/3. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Đây cũng là thông tin được ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ TTTT chia sẻ tại cuộc họp về kế hoạch triển khai và chuẩn hóa thông tin thuê bao diễn ra vào sáng ngày 13/3. 

Theo đó, việc chuẩn hóa được thực hiện theo khoản 8 Điều 1 của Nghị định 49 về lĩnh vực viễn thông di động: Các số điện thoại có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng. 

Nhà mạng cũng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất 5 ngày để yêu cầu cập nhật dữ liệu. 

Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày sẽ nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

1doi-du-lieu-1678702886.jpg
Các nhà mạng sẽ nhanh chóng triển khai và thông tin đến người dân. Ảnh: Internet

Ông Nhã cũng thông tin cho biết thời hạn cuối cho các nhà mạng trong việc thông báo tới người dùng là 15/3.

Theo thống kê của cục, Việt Nam hiện có khoảng 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel, MobiFone. 

Các nhà mạng đều xác nhận đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ và thủ công cho việc này. 

Nhà mạng VinaPhone đã triển khai ba cách giúp người dùng cập nhật qua ứng dụng, website và tại điểm bán. Nhà mạng cũng đã gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm được thông tin và bổ sung. 

Tuy nhiên, theo đại diện VinaPhone, thách thức là một số loại tài liệu, giấy tờ cá nhân chưa nằm trong cơ sở dữ liệu, có thể phải chuẩn hóa thủ công.

Trong khi đó về phía nhà mạng Viettel, một trong các rào cản là các tập khách hàng sai thông tin không lớn nhưng trải dài ở nhiều khu vực, khả năng phản hồi của khách hàng thấp.

Việc chuẩn hóa thuê bao di động cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030'.

Đây được đánh giá là hoạt động cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định. Ngoài ra theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác cũng sẽ giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, làm giảm thiểu rủi ro thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.