Thầy Kim Trường: Người đưa đò cho những đam mê

Bằng đam mê của mình, thầy Kim Trường đã mở lớp đào tạo miễn phí cho những ai đam mê diễn xuất nhưng chưa có điều kiện theo đuổi chuyên nghiệp.

Hãy cùng Arttimes trò chuyện với người nuôi dưỡng và đào tạo rất nhiều diễn viên “tay ngang” cho các sân khấu, đoàn phim trong nước….

20993950-713081262222797-8561757234726528829-n-1622171807.jpg

Thầy Kim Trường

Chào thầy, được biết thầy là một giảng viên tâm lý học, vậy cơ duyên nào thầy lại rẽ con đường nghệ thuật?

Thực ra tôi là người đam mê nghệ thuật từ bé, vậy nên ngay từ nhỏ là đã hay tập hợp bạn bè để cùng diễn kịch chơi với nhau rồi, nhưng do gia đình có truyền thống nghề giáo và muốn con có công việc ổn định nên mong muốn tôi tìm cho mình một công việc ổn định. Cha mẹ già nên tôi muốn cho cha mẹ yên tâm, từ đó đi học và làm một giảng viên theo mong muốn của ông bà. Nhưng mình biết, làm được điều mình yêu thích mới là hạnh phúc, tôi đi dạy đứng trên bục giảng mà tưởng đứng trên sân khấu!

Thấy như vậy hoài không sống nổi nên vào năm 2014, tôi quyết định sống bằng đam mê nên xin phép bố mẹ để theo nghệ thuật, ba mẹ tôi đồng ý với điều kiện phải đảm bảo công việc ổn định lo cho cuộc sống và tôi đã làm được. Năm 2017 là tôi lập CLB sân khấu Kiếp Tằm. 

Có thể thấy thầy khá bận rộn khi vừa đi dạy, vừa tham gia sân khấu vậy thầy đã sắp xếp thời gian của mình như thế nào?

Sân khấu thì sống về khuya, còn đi dạy thì làm giờ hành chính nên thời gian cũng phù hợp, nếu có “show” thì có thể nhờ trợ giảng hỗ trợ dạy thay. Vì lịch diễn đa số người ta báo trước nên mình có thể sắp xếp được. Chỉ có điều vừa đi dạy đi diễn nên hầu như không có thời gian riêng cho bản thân mình.

CLB hiện nay hầu như cũng chưa thật sự nhiều người biết đến, vậy việc chiêu sinh có gặp nhiều khó khăn?

Có thể thấy, chiêu sinh thì không rầm rộ vì không có thu học phí, được cấp giáo trình miễn phí khi học. Tuy nhiên, tôi không yêu cầu tiền bạc nhưng sẽ đưa ra 3 tiêu chí phẩm chất cho học viên. Thứ nhất, thực sự đam mê vì không đam mê thì không làm được gì hết. Thứ nhì, có tố chất: có năng khiếu. Và điều cuối cùng chính là thực sự muốn làm nghệ thuật. “Nghệ thuật là một cái đạo” – NSND bảy Nam - nên không thể xem là nghề kiếm tiền nên nếu học mà vì nổi tiếng, có nhiều tiền hay abc gì đó thì không nhận vì đó là lạm dụng nghệ thuật chứ không phải làm nghệ thuật.

Vậy với bản thân thầy, khó khăn khi làm nghệ thuật là gì?

Khó khăn đầu tiên là từ phía gia đình là chủ yếu. Có gia đình ủng hộ nhưng có gia đình không ủng hộ, gia đình mình ban đầu cũng không ủng hộ. Mình thấy rất nhiều hoàn cảnh diễn viên nổi tiếng cỡ nào thì cuối đời có khi lại rất khổ sở, gia đình chỉ muốn mình làm thầy đi dạy ổn định, vậy nên muốn làm thì đấu tranh dữ lắm thì gia đình mới đồng ý.

181861005-814343472819984-2156292181587251620-n-1622171807.jpg

Các thành viên CLB

Trên vai đang quản lí 3 câu lạc bộ, bản thân thì chưa phải là người có tên tuổi nên chưa có tầm uy tín cao, chưa có nhiều show diễn cho các bạn. Tuy nhiên, chắc do Tổ độ mà có những show được nhận biểu diễn ở chương trình lớn làm mình rất mừng.

Câu lạc bộ Sân khấu điện ảnh gánh hát Kiếp Tằm ra đời đầu tiên vào tháng 10/2017. Mục tiêu ban đầu của câu lạc bộ chính là việc đào Tạo các bạn có đam mê nghệ thuật nhưng không có điều kiện đi học tại các lò chuyên nghiệp. Tạo ra các suất diễn từ sân khấu đến phim cho các bạn diễn viên còn thiếu cơ hội biểu diễn. Đồng thời cũng là nơi tập họp, sinh hoạt, trao đổi, học hỏi Nghệ Thuật cho các diễn viên.

Hiện nay, các đối tượng tham gia câu lạc bộ bao gồm những ai?

Các đối tượng tham gia thì từ trẻ nhỏ đến người lớn, lớn nhất có khi 50-60 cũng có luôn. Đã là đam mê thì không phân biệt tuổi tác mà. Chỉ là chưa có lớp dành riêng cho thiếu nhi vì đối tượng này chưa đông và nếu dạy thì phải có giáo trình riêng.

Mong thầy chia sẻ, những thuận lợi và khó khăn của những học viên tại câu lạc bộ?

Do chọn người vào học là người thực sự đam mê, nên lợi thế của diễn viên khi học ở đây là họ ham học, ít bỏ lớp, chịu đi show và trân quý từng cơ hội mà mình cho họ chứ không phải là phân biệt vai to vai nhỏ.

Bất lợi với họ là mới vào nghề, chưa có tên tuổi nên chưa có nhiều show, vậy nên các bạn ở đây đa số là có thêm nghề tay trái để nuôi sống bản thân.

Nhiều bạn sẽ mặc cảm vì mình không được học ở các trường danh tiếng về diễn xuất, nhưng thực tế, không phải đào tạo tại trường chính qui thì học viên sẽ giỏi, mình từng đi phim và thấy nhiều bạn diễn viên được học bài bản nhưng diễn chưa tốt, bị đạo diễn la hoài, thậm chí mời họ về. Nhưng khi diễn viên mình tham gia thì mình thấy họ diễn tốt hơn nhiều bạn như thế.

184765896-831917017407280-2730084096738635833-n-1622171807.jpg
Một buổi sinh hoạt của CLB

Khi học ở câu lạc bộ, các bạn được cọ xát và học kiến thức “đời” hơn, giáo trình học thì vào thẳng nội dung nên khi diễn cũng thực tế hơn. Đó cũng là điểm mạnh của học viên tại đây.

Sau 3 năm hoạt động hiệu quả, câu lạc bộ đến nay đã có 3 cơ sở và tương lai sẽ còn lớn mạnh thêm nữa vì nhu cầu của các bạn là rất lớn. Chia sẻ với phóng viên, thầy Trường cho biết “mong muốn của thầy là có thể tạo được sân chơi và giúp cho nhiều bạn đam mê nghề đến với nghệ thuật một cách chân chính”

Hiện nay tình hình dịch bệnh phức tạp vậy ảnh hưởng ra sao tới CLB thưa thầy?

Làm nghệ thuật mà gặp dịch là khổ nhất, vì show diễn bị đình trệ, hầu như mọi hoạt động diễn xuất cũng ngưng khi có lệnh của Nhà nước, tuy nhiên, Ban chủ nhiệm CLB vẫn cố gắng gửi tài liệu học tập hoặc gửi những đường link các tác phẩm kinh điển cho các bạn có thời gian chiêm nghiệm và học hỏi thêm về diễn xuất. Hy vọng dịch nhanh chóng qua đi để anh em lại được làm nghề.

Cám ơn thầy về những chia sẻ, chúc CLB ngày một thành công!