Giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã ký 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng sai nguyên tắc với 42 doanh nghiệp; có dấu hiệu gây thất thu ngân sách 658 tỷ đồng.
Ngày 24/6, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP ngày 11/5/2021 thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia.
Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý và giao cho các đơn vị thực hiện kiến nghị.
Chuyển Bộ Công an điều tra 2 nội dung
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia, thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2018.
Chỉ ra những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục và các vi phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển tài liệu, hồ sơ, chứng cứ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để làm rõ 2 nội dung.
Thứ nhất là việc Khu Liên hợp thể thao quốc gia cho thuê các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước số tiền lớn, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách nhà nước.
Nội dung thứ hai là việc Khu Liên hợp thể thao quốc gia sử dụng đất thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trạm phân phối gas với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân An Bình trong khuôn viên Cung thể thao dưới nước, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp ngân sách, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách nhà nước.
Hợp tác đầu tư có dấu hiệu bất thường, gây thất thu cho ngân sách
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003, Ban quản lý dự án Khu Liên hợp thể thao quốc gia ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân An Bình hợp tác đầu tư xây dựng trạm phân phối gas và giao cho công ty sử dụng 865m2 đất nằm trong khuôn viên khu đất Cung thể thao dưới nước.
Tuy nhiên, trong hợp đồng hợp tác đầu tư lại không có quy định nghĩa vụ tài chính về đất đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân An Bình, tức là phía công ty không phải nộp tiền thuê đất cho nhà nước từ đó đến nay.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, quá trình thực hiện hợp tác đầu tư trên có một số dấu hiệu bất thường, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo quy định pháp luật, khu đất 865m2 không được phép sử dụng để hợp tác đầu tư nhưng Khu Liên hợp thể thao quốc gia vẫn vi phạm, giao cho công ty trong thời gian 15 năm.
Trong giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia cũng không nộp tiền thuê khu đất trên cho ngân sách nhà nước với số tiền 1,94 tỷ đồng.
"Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản giai đoạn 2009-2018 có tổ chức nhiều cuộc kiểm tra hiện trạng nhà đất, cơ sở vật chất nhưng không phát hiện được việc Khu Liên hợp thể thao quốc gia hợp tác đầu tư với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân An Bình," kết luận nêu.
Nhiều vi phạm về cho thuê đất
Cũng theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia đã ký 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng với 42 doanh nghiệp tại các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án.
Đây là những việc làm sai nguyên tắc về quản lý sử dụng đất vì chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Chưa hết, Khu Liên hợp thể thao quốc gia cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn.
Mặt khác, các hợp đồng cho thuê đất đều quy định doanh nghiệp không được cho thuê lại, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho thuê lại với giá cao gấp 3 lần giá thuê của Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Điển hình năm 2018, Khu Liên hợp thể thao quốc gia ký hợp đồng với 17 doanh nghiệp nhưng có tới 144 doanh nghiệp sử dụng mặt bằng đất.
“Quá trình Khu Liên hợp thể thao quốc gia cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án có một số vi phạm, sai phạm có dấu hiệu bất thường. Tổng số tiền thuê đất Khu Liên hợp thể thao quốc gia phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa nộp (tạm tính) khoảng 658 tỷ đồng. Số tiền này Khu Liên hợp thể thao quốc gia không có khả năng nộp, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách nhà nước,” kết luận thanh tra nêu rõ.
Theo cơ quan thanh tra, để xảy ra những sự việc trên là do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao thiếu sự kiểm tra, rà soát việc thực hiện liên doanh, liên kết, nên không phát hiện được những vi phạm của Khu Liên hợp thể thao quốc gia.
Xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan sai phạm
Kết luận thanh tra cũng yêu cầu lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm có liên quan đến các sai phạm, vi phạm của Khu Liên hợp.
Cùng với đó, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tập thể lãnh đạo, xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu (theo sự phân công của người đứng đầu), chuyên viên chuyên quản khu liên hợp của Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm.
Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Tổng cục (theo từng thời kỳ) có liên quan đến sai phạm, vi phạm của Khu liên hợp.
Đồng thời, đơn vị này phải chỉ đạo Khu Liên hợp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo, xử lý trách nhiệm đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia theo từng thời kỳ trong giai đoạn 2009-2018 có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận thanh tra nêu trên.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Tổng cục Thể dục Thể thao, Khu Liên hợp thể thao quốc gia, Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện các kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra.
Lãnh đạo của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia trong giai đoạn bị thanh tra?
Ngoài việc chuyển Bộ Công an điều tra điều tra những nội dung có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phải: “chỉ đạo Khu Liên hợp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo, xử lý trách nhiệm đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia theo từng thời kỳ trong giai đoạn 2009-2018 có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, sai phạm”.
Vậy, lãnh đạo của của Khu Liên hợp thể thao quốc gia theo từng thời kỳ trong giai đoạn 2009-2018 là gồm những ai?
Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục thể dục thể thao, có chức năng tổ chức sự kiện chính trị, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
Về Giám đốc:
Vào ngày 5/7/2010, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) trao Quyết định số 809/QĐ-TCTDTT đề ngày 30/6 về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, ông Cấn Văn Nghĩa - chuyên viên chính Tổng cục TDTT giữ chức Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia từ ngày 1/8/2010.
Đến ngày 29/03/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ nhiệm lại đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu ông Cấn Văn Nghĩa – Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia (Quyết định số 3616/QĐ-BVHTTDL).
Vào năm 2017, ngoài bị báo chí liên tục đăng tải phản ánh việc “xẻ thịt” Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia để cho thuê nhà hàng, karaoke, bia hơi…, ông Nghĩa còn bị “bêu” trong việc bổ nhiệm 2 người con làm lãnh đạo trưởng, phó phòng một cách “bất thường”.
Ông Nghĩa giữ chức Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia từ năm 2010 cho mãi đến cuối năm 2018.
Tại Đại hội VFF khóa 8 vào tháng 12/2018, ông Cấn Văn Nghĩa lại trúng cử chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính tài trợ VFF sau hai lần bỏ phiếu. Tuy nhiên, chỉ đúng 6 tháng tại vị, ông Cấn Văn Nghĩa đã đệ đơn xin từ chức Phó Chủ tịch VFF.
Tháng 12/2019, với 100% số phiếu thuận, Đại hội thường niên VFF thống nhất miễn nhiệm Phó Chủ tịch tài chính, tài trợ đối với ông Cấn Văn Nghĩa.
Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia hiện nay là ông Nguyễn Trọng Hổ.
Về Phó giám đốc:
Ngày 29/03/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp nhận ông Nguyễn Thanh Liêm (sinh ngày 4/10/1980) – Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, đến nhận công tác tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia và bổ nhiệm có thời hạn 5 năm giữ chức Phó Giám đốc phụ trách Công tác Kế hoạch-Kinh doanh Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Quyết định số 1359/QĐ-BVHTTDL);
Sau đó, ông Liêm làm Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ quốc, Trưởng ban Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Vào ngày 15/8/2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội.
Ngoài ông Liêm đã chuyển công tác, thời kỳ thanh tra còn có các Phó giám đốc như ông Trần Văn Chiên, ông Nguyễn Việt Tiến hiện vẫn đang tại vị. Riêng ông Trần Văn Chiên, vào ngày18/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố các quyết định bổ nhiệm ông, Trưởng Phòng Lưu trữ, thư viện, Văn phòng Bộ được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia....
Theo SKCĐ