Tản văn: Đèn quê

Chẳng biết đèn quê có tự bao giờ, chỉ biết rằng tôi và lũ bạn đồng trang lứa từ buổi lọt lòng trong mái nhà tranh vách đất nơi vùng trung du yên ả, đã có ánh đèn quê.

Theo thời gian, chúng tôi lớn lên, trưởng thành bên “nguồn sáng trong đời” đó. Bên ánh đèn quê tỏa ánh sáng yếu ớt, chúng tôi từng viết những câu văn, làm những bài toán buổi đầu đời, say sưa những truyện cổ tích, mê hồn và thấm đẫm những trang tục ngữ, ca dao. Mỗi gia đình nông thôn Việt Nam, đèn quê là thứ ánh sáng duy nhất trong nhịp sống, sinh hoạt, từ cá thể đơn vị gia đình đến cộng đồng làng xã.

den-dau-1634891749.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Thì đó, đèn quê hắt bóng nhập nhoạng xuống bao gương mặt khi bóng chiều đổ xuống. Ấy là bên mâm cơm lao xao; là bên ấm trà xanh bố mẹ bàn việc đồng áng, vườn tược; là tiếng ê a của những đứa trẻ học bài. Đèn quê thao thức cùng lứa học sinh cuối cấp miệt mài cho những mùa thi mong sao đỗ đạt, bõ công “đèn sách”. Đèn quê ra đồng ra bãi tần tảo, góp phần dệt những mùa vàng ấm no; đèn quê đi chống hạn, bão lũ, đèn quê còn theo người quê soi cá, bắt ếch, theo ngư dân tròng trành trên con thuyền nan bên những dòng sông để bữa ăn sinh tồn - bớt phần đạm bạc. Đèn quê rộn ràng bên khung cửi thánh thót thoi đưa của thiếu nữ; đèn quê râm ran buổi liên hoan chia tay ngày mai những chàng trai trẻ lên đường.

Không chỉ dự phần, “can thiệp” vào đời sống sinh hoạt, lao động của nghề nông, đèn quê đã có một thời ra trận làm nên những trang sử dân tộc vĩ đại, hào hùng. Tập thơ “Lửa đèn” của Phạm Tiến Duật nói lên điều đó, với “Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá/ Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên”. Đèn quê còn được nhà thơ Chính Hữu phát triển hình tượng bằng “Ngọn đèn đứng gác”: “Trên đường ta đi đánh giặc/ dù về Nam hay ta lên Bắc/ ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu”. Những vầng sáng kiêu hãnh, bất khuất đó, phải chăng được “giữ qua đời này đời khác/ vùi trong tro trong trấu nhà ta”, bùng lên từ những ánh đèn buồn "Ngọn đèn khuya leo lét trong lều/ cơn bóng tối dập dờn trước ngõ” trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và "Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” để "Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” trong thơ Chế Lan Viên?

Giờ đây, điện khí hóa nông thôn đã “phủ lưới toàn quốc”. Các vùng quê điện như sao sa, giăng mắc khắp những con đường trải nhựa, bê tông và các tụ điểm công cộng bởi hệ thống đèn cao áp chiếu sáng. Trong mỗi gia đình làng quê Việt Nam, hình ảnh những chiếc đèn quê đã lùi xa. Từ đèn thắp dầu thực vật như dầu dọc, dầu sở, dầu dừa đến các loại thắp dầu hỏa như đèn Hoa Kỳ, tọa đăng, măng sông, đèn bão..., nay thay thế bằng các loại điện tuýp, các loại đèn tiết kiệm, đèn chùm, đèn trang trí đến cả đèn vườn. Tất cả sáng lòa, cái kim rơi trên nền nhà hoặc một vật nhỏ trên đường dạo cũng dễ tìm thấy. Người và cảnh về đêm rạng rỡ, bừng lên.

Dù có điện lưới quốc gia chói lòa như vậy, nhưng đèn quê đâu tắt hẳn? Bởi khi thắp nhang trên các ban thờ tổ tiên, các bậc sinh thành, dù có lắp đèn điện thờ, song người ta vẫn dùng đèn dầu. Tất cả các đình, đền, chùa, miếu, phủ cũng vậy. Và khi đưa người thân sang thế giới bên kia, người ta vẫn đặt chiếc đèn dầu bên cạnh bát cơm quả trứng, đôi đũa cách điệu trên mặt quan tài đến lúc “mồ yên mả đẹp”. Trong bạt ngàn các nghĩa trang liệt sĩ khắp Bắc - Trung - Nam mỗi dịp tri ân "đền ơn đáp nghĩa", hàng vạn ngọn nến lung linh thẳng hàng thẳng lối - như chính các anh - chỉnh tề, uy nghiêm trước giờ ra trận. “Sống dầu đèn chết kèn trống” là vậy. Chưa hết, bạn quan sát một trong các phần việc của ngành Đường sắt mà xem: Ớ các điểm chắn nút giao đường sắt với đường bộ, các nhân viên vẫn dùng đèn bão, vừa kéo rào chắn vừa giơ đèn làm “hiệu lệnh” cho các phương tiện tham gia giao thông dừng lại; những bước chân vẫn xuyên màn đêm lạnh giá trên các cung đường sắt bên ánh đèn bão đung đưa - tuần đường, kiểm tra trước mỗi chuyển tàu chuẩn bị chạy qua. Họ là “những ánh sao đêm”, là đèn quê “cháy” mãi trong ta đó sao?

Đèn quê, vì thế, mái mãi là thứ ánh sáng thiêng liêng nhất, vĩnh cửu nhất, là sợi dây cố kết cộng đồng bền chặt nhất, neo giữ sẻ chia, sống chết có nhau khi “tối lửa tắt đèn”. Đèn quê mãi là hồn quê. Mà “quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người"!