Món tỏi ngâm giấm được rất nhiều người yêu thích nhưng nhiều người hễ ngâm là chúng lại chuyển màu xanh.
Vì sao tỏi lại bị chuyển màu xanh, chúng có độc không?
Tỏi ngâm giấm là một món gia vị hấp dẫn cho nhiều món ăn. Trong ẩm thực Việt Nam món tỏi ngâm giấm vô cùng thú vị. Nhưng nhiều người nhìn thấy hũ tỏi ngâm chuyển màu xanh và cảm thấy bất thường, mất ngon, thậm chí sợ hãi.
Tỏi sau khi bóc vỏ, thái, ngâm sẽ có phản ứng với không khí nên phản ứng này khiến tỏi đổi màu. Tỏi càng non và càng nhiều nhựa thì phản ứng với không khí càng mạnh nên càng dễ bị xanh. Màu xanh này có thể thôi vào nước ngâm khiến chúng càng mất ngon. Theo các chuyên gia thì tỏi chuyển màu xanh khi ngâm không phải hiện tượng gây ngộ độc nhưng về thẩm mỹ món ăn thì rất kém. Do đó khi ngâm tỏi giấm ớt thì ai cũng muốn khắc phục tình trạng này.
Mẹo làm tỏi ngâm nước trong, trắng giòn không váng
Chuẩn bị nguyên liệu
Chọn 200g tỏi. Muốn tỏi giòn ngon không xanh thì chọn tỏi già tốt hơn tỏi non. Tép tỏi to thì dễ thái nhưng tép tỏi nhỏ sẽ thơm ngon hơn. Tỏi vỏ tím cũng thường thơm nhiều hơn tỏi có vỏ trắng. Những củ tỏi cô đơn ngon hơn tỏi nhiều nhánh nhưng đắt hơn.
1 chai giấm ăn 500ml. Bạn nên chú ý chọn loại giấm ngon và tránh dùng giấm công nghiệp mùi hắc không thanh.
Ớt tươi, có thể dùng ớt chỉ thiên hoặc ớt bống, ớt sừng. Ớt chỉ thiên thì cay, ớt bống, ớt sừng thì sẽ thơm hơn
Muối, nước
Hũ thủy tinh hoặc hũ sứ, tránh hũ nhựa để đảm bảo ngâm tỏi không bị thôi nhiễm vi hạt nhựa.
Cách sơ chế tỏi để khi ngâm không bị xanh
Tỏi có thể cho vào lò vi sóng quay 10 giây giúp dễ bóc vỏ hơn. Sau khi bóc thì thái lát vừa phải không nên thái quá mỏng không nên quá dày. Thái quả mỏng sẽ không giòn, thái quá dày khi ăn sẽ nặng mùi hắc.
Sau khi rửa sạch vài lần nước để bớt nhựa tỏi thì bạn cho chúng vào nước muối loãng. Ngâm tỏi tầm 30 phút thay lần nước 2 ngâm thêm lần nữa. Ngâm như này sẽ giúp tỏi không bị xanh khi ngâm giấm ớt. Ngâm 2 lần khiến tỏi giảm mùi hắc đặc trưng. Sau đó muốn khử khuẩn bạn chần tỏi qua nước sôi rồi để tỏi ráo nước nhưng không ủ tỏi trong hơi ấm lâu vì sẽ làm tỏi bớt độ giòn.
Ớt rửa sạch để ráo, bỏ hạt cắt lát vừa phải. Lượng ớt tùy theo khẩu vị gia đình có thích ăn cay không. Có thể cho ớt hoặc không tùy thuộc vào khẩu vị của gia đình.
Giấm cùng với nước cho vào nấu thêm một chút đường nấu cho sôi và tan. Sau khi đun lên thì hơi hắc của giấm sẽ bay vợi bớt. Bạn nên cho thêm đường để nước giấm thanh hơn và sẽ nhanh được ăn hơn. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách ngâm trực tiếp với 100% giấm không thêm nước, thêm đường tuy nhiên phải lưu ý giấm ngon không bị pha hóa chất công nghiệp.
Cách ngâm giấm tỏi:
Rửa sạch lọ thủy tinh, hũ sành sứ đựng tỏi. Khử khuẩn băng nước sôi và phơi khô thì càng tốt. Tỏi sau khi để ráo nước thì bạn cho vào lọ thủy tinh cùng với ớt. Sau đó bạn cho nước giấm đã nấu để nguội vào hũ. Bạn nhớ đậy nắp lại và để nơi thoáng mát. Khoảng 2-3 ngày là có thể dùng được. Tránh để hũ ngâm giấm tỏi bị nóng, để nơi có nắng sẽ khiến chúng nhanh bị chua và tỏi không được giòn.
Tỏi là một loại kháng sinh tự nhiên giúp phòng bệnh ăn tỏi thường xuyên giúp kích thích tiêu hóa giảm viêm. Giấm tỏi ớt thêm vào nước mắm chấm, thêm vào các món phở, canh, bún miến đều rất hấp dẫn.
Khi dùng nhớ lấy thìa muỗng sạch múc tỏi ớt, tránh dùng đũa thìa đang ăn cho vào hũ ngâm giấm tỏi ớt sẽ làm chúng bị nổi váng.