Ngày 18/4/2021, một sự kiện chấn động làng túc cầu đã diễn ra khi mà 12 CLB thuộc nhóm hùng mạnh nhất thế giới đứng ra định tổ chức một giải đấu riêng mang tên European Super League (hay Super League). Nhóm CLB sáng lập hiện có 12 thành viên, gồm Real Madrid, Barca, Atletico Madrid, Chelsea, Liverpool, Man City, Man Utd, Arsenal, Tottenham, AC Milan, Inter Milan và Juventus.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau khi giải đấu mới này được công khai, sự vào cuộc của FIFA (LĐBĐ Thế giới), UEFA (LĐBĐ châu Âu) cùng các yếu tố chính trị đã khiến Super League "chết yểu". Tuy vậy, 3 CLB được coi là "trùm" của giải đấu này bao gồm Juventus, Real và Barca vẫn kiên quyết bám trụ với lý tưởng của mình bất chấp các lệnh trừng phạt kinh hoàng tới từ UEFA.
Dưới sự bảo trợ của Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (EU), cả 2 phe đã và đang "chiến đấu" hết sức để bảo vệ tư tưởng, quyền lợi của mình. Và mới đây nhất, tin vui đã tới với những người đứng về phía Super League. Cụ thể, trong phiên điều trần diễn ra cách đây không lâu, những vấn đề về sự "độc tài" vốn đã tồn tại qua nhiều năm của FIFA và UEFA bắt đầu được phía Tòa án EU đưa ra để phân tích.
Các câu hỏi được các bên liên quan đưa ra có một số điểm đáng chú ý như: Super League liệu có ảnh hưởng gì tới luật lệ thúc đẩy phát triển của khối liên minh khu vực?, Việc ngăn cấm một giải đấu mới được lập ra là để bảo vệ sự phát triển chung của bóng đá hay chỉ đơn thuần là để phục vụ việc bảo tồn quyền lực của các nhà chức trách thuộc lĩnh vực này?,...
Dù chưa thể có lời giải đáp ngay cho những câu hỏi trên nhưng đã có một điểm đáng lưu ý mang lợi thế về cho phe Super League được đúc kết lại sau phiên tòa là: "Mục tiêu và định hướng của Super League là hoàn toàn tương thích với những điều luật về cạnh tranh tự do của EU".
Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù phải ít nhất tới cuối năm nay, kết quả của vụ kiện tụng lịch sử này mới ngã ngũ nhưng những gì đang xảy ra đem tới các tín hiệu khả quan về việc thắng kiện của phía Super League.
Nên nhớ, đây không phải là lần đầu tiên mà Super League thắng UEFA và FIFA trong một phiên kiện tụng. Vào thời điểm sau khi giải đấu kể trên bị "khai tử", UEFA đã sớm ra án phạt. Chín CLB rút lui phải đóng góp chung 18 triệu USD cho bóng đá trẻ, bị trừ 5% doanh thu trên đấu trường châu Âu mùa tiếp theo, và phải nộp phạt 120 triệu nếu tái phạm. Với ba CLB cứng đầu (Real, Juventus và Barca) , cơ quan quản lý bóng đá châu Âu mở thủ tục kỷ luật có thể dẫn tới án cấm thi đấu hai năm tại các giải đấu thuộc tổ chức này (Champions League, Europa League,...)
Đương nhiên, các đội bóng trên đã đứng ra kháng cáo hình phạt mang tính rất...tự phát này của FIFA và UEFA. Theo phán quyết hôm 30/7/2021 của Tòa án thương mại Mercantile, UEFA phải chấm dứt thủ tục kỷ luật đối với Real Madrid, Barca và Juventus. Tòa cũng yêu cầu dỡ bỏ mọi hình phạt và hạn chế đối với chín CLB sáng lập còn lại. Đây cũng là chiến thắng thứ hai của các CLB sáng lập, sau phán quyết tương tự của một tòa án Tây Ban Nha hồi cuối tháng 6 cùng năm ngoái.
Nhìn chung, lợi thế hiện tại đang tạm nghiêng về phía Super League và nếu như trong trường hợp 3 CLB Real, Barca và Juventus thực sự thắng kiện, đó sẽ là một dấu mốc lịch sử cho bộ môn "thể thao vua". Khi đó, Super League chắc chắn sẽ không có lí do gì để không được tổ chức và đó cũng sẽ là "cú tát" thẳng vào danh dự cũng như vị thế của FIFA và UEFA.
Chuyển nhượng MU 12/7: De Jong 'làm loạn' để đến MU, Ronaldo khiến Ten Hag bẽ mặt
'Ông lớn' nước Anh quyết tâm xuống tiền, Neymar rời PSG gia nhập bến đỗ mới?
Những khoảnh khắc phối hợp của Messi - Neymar - Mbappe. Nguồn: Dugout