Có một thực tế đang diễn ra: Những năm gần đây, các đài truyền hình chỉ sản xuất phim nhiều tập (thời lượng một tập có khi là 45 phút, có khi là 30 phút). Không ít phim tới 60, 70 tập và nhiều hơn. Giải thích việc này không khó, bởi thường là phim làm từ những nguồn tài trợ của các đối tác muốn quảng cáo thương hiệu. Phải là phim nhiều tập thì hiệu quả quảng bá mới đạt được. Bởi vậy, thường PTH nhiều tập nặng về giải trí, muốn người xem phải theo dõi dài dài.
Lại có một thực tế nữa: Hiện nay, công chúng có nhiều nguồn để xem phim: Ở các rạp, trung tâm chiếu phim, thuê đĩa ở các cửa hiệu, qua các ứng dụng xem phim trực tuyến... Nhưng tiện lợi nhất (và cũng rất phong phú) là ngồi xem ti-vi tại nhà. Nhất là từ khi có truyền hình cáp, kỹ thuật số, một ngày người ta có thể xem hàng chục phim của nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Vậy nên đầu tư cho phim chiếu trên truyền hình là cách tốt nhất để thu hút được lượng người xem đông nhất.
Xin được lưu ý: Chức năng chính của văn nghệ nói chung, phim truyện nói riêng là bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ. Giải trí chỉ là một chức năng nhỏ, phụ (Nếu muốn giải trí, thư giãn, hãy tìm đến xiếc và nhiều trò tiêu khiển khác). Tất cả những tác phẩm điện ảnh có giá trị sâu sắc, nổi tiếng nhất của thế giới và Việt Nam, làm rung động mãnh liệt hàng triệu trái tim khắp hành tinh đều không có yếu tố giải trí, mà là nâng cao nhận thức tư tưởng, tình cảm và khả năng cảm thụ thẩm mỹ. Có thể kể tới một số phim tiêu biểu: Cuốn theo chiều gió, Ông già và biển cả, Chiến hạm Pôn – chen – kin, Những người khốn khổ, Con đường đau khổ, Chiến tranh và hoà bình, Người thứ 41, Khi đàn sếu bay qua, Số phận một con người, Hoa ban đỏ, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê…
Nhìn lại phim của Việt Nam cũng như của thế giới trong quá khứ và hiện nay thấy một điều: Những bộ phim hay, có giá trị nhất thường chỉ là phim 1 tập hoặc 2, 3 tập. Rất ít trường hợp nhiều hơn thế. Cũng có phim dài tập hay nhưng không nhiều, và thường chỉ được một số tập đầu. Về sau nhạt dần. Sẽ có những ý kiến phản bác ngay: Đó là phim nhựa, phim điện ảnh. Còn PTH thì khác, ta cũng cần làm theo thế giới, phải nhiều tập - hàng vài chục trở lên - chứ không thể chỉ một vài tập. Nhìn vào thực tế nước ta, ở những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam mới bắt tay vào sản xuất PTH, chúng ta chỉ làm phim 1 tập, thỉnh thoảng có phim 2, 3 tập. Và không ít phim trong số đó đã chiếm được tình cảm của người xem (Như Mẹ chồng, Của để dành, Những người sống quanh ta,…). Một bộ phim hay, có nội dung sâu sắc, đặt ra được những vấn đề khiến người xem phải suy nghĩ, trăn trở; hết phim người ta bị ám ảnh, day dứt với nội dung bộ phim thì dù chỉ 1 tập, khoảng 45 phút, thậm chí là phim ngắn chỉ 10 - 15 phút vẫn sẽ hơn hẳn bộ phim mấy chục tập mà dông dài, nhạt nhẽo, chẳng để lại được ấn tượng gì.
Do năng lực tư duy, khái quát cuộc sống còn hạn chế, do vốn sống của nhiều tác giả chưa đủ nên dung lượng thực tế đưa vào tác phẩm không được phong phú, trong khi lại phải thực hiện phim nhiều tập nên việc “bôi” ra cũng là dễ hiểu. Giống như nấu canh, khi nguyên liệu chỉ vừa đủ cho một bát mà muốn có nồi canh to thì phải đổ thêm nhiều nước khiến luễnh loãng, nhạt phèo, dẫu có đổ thêm nhiều mỳ chính. Chẳng những nhạt mà nhiều khi còn vô lý một cách rất lộ liễu khiến người xem không thể chấp nhận. Ví như một bộ PTH điển hình ho sự yếu kém này có tên Chân trời trắng nói về cuộc sống của những sinh viên trường Đại học Y. Dư luận rộng rãi đánh giá đây là một trong những PTH yếu kém nhất từ trước tới nay. Những người công tác ngành y cho rằng người làm phim không hiểu gì về ngành y. Đóng góp vào chất lượng kém của phim này ngoài nhiều nguyên nhân có yếu tố phim kéo dài gây nhạt nhẽo trong khi nội dung nghèo nàn (mặc dù chỉ không đến 40 tập, còn ít hơn nhiều phim khác). Chỉ một cảnh cô sinh viên có tên Hồng (chị gái của Hà. Hai chị em học cùng một lớp ở đại học Y) sợ ma mà kéo dài suốt hơn 1 tập. Chi tiết này tiêu biểu nhất cho sự “bôi”, “đổ nhiều nước” vào “nồi canh”. Đó là chưa nói việc một cô gái đã là sinh viên mà sợ ma một cách quá cường điệu khi cô ta sống giữa căn phòng tập thể có hàng chục bạn xung quanh, chứ không phải chỉ có một mình là không thực tế.
Nói chung, người xem rất dễ nhận thấy sự cố ý “bôi” ra để kéo dài thời lượng của đạo diễn nhưng phim nhiều tập. Hẳn là những người làm phim đều biết một điều sơ đẳng: Tất thảy mọi chi tiết, từ hành vi cho đến lời nói của nhân vật đều phải phục vụ đắc lực, có hiệu quả cho việc biểu hiện chủ đề tư tưởng. Không thể có những khuôn hình, lời lẽ thừa, chẳng nhằm nói lên điều gì. Nhưng ở những PTH Việt Nam nhiều tập, người xem bắt gặp đầy rẫy những khuôn hình, đoạn, có khi cả trường đoạn thừa, chẳng để làm gì ngoài mục đích duy nhất là… câu giờ. Ví như quay cảnh một nhân vật ra khỏi nhà để đến đâu đó do có sự cố nào đó buộc phải có mặt. Lẽ ra, cần chuyển cảnh từ lúc ở trong nhà đến ngay cảnh vào việc gì đó ở địa điểm mới thì đạo diễn lại sa đà vào những chi tiết đại loại: mở tủ chọn quần áo, ướm thử trước gương, rồi lọc cọc khóa cửa, có khi còn phải tìm khóa vì không biết để đâu. Rồi đến khi tìm được, bắt đầu khóa cửa thì có chuông điện thoại, lại phải trở vào nghe, rồi đối thoại dài dòng văn tự. Đến khi ra được khỏi nhà thì kéo dài cảnh đi xe máy trên đường, qua hết phố nọ đến phố kia. Tác giả kết hợp được việc khoe chiếc xe máy “xịn”, dáng người đẹp của diễn viên khi ngồi trên xe máy với việc kéo dài thêm thời gian. Đúng là rất thông minh vì lưỡng tiện. Xin nói rõ là trong những chi tiết, cảnh, đoạn phim trên, không phát sinh bất cứ sự việc nào tham gia vào việc thúc đẩy nội dung, tạo tình huống mới để chuyện phim phát triển. Nếu cắt bỏ tất cả những chi tiết kiểu như trên thì nhiều PTH dài tập hiện nay chỉ còn lại vài ba tập, thậm chí là một tập. Tuy nhiên, chúng ta cũng có được một số phim dài tập không rơi vào tình trạng này mà tiêu biểu, đáng ghi nhận nhất phải nói đến Áo blu trắng của đạo diễn Trần Mỹ Hà. Phim này dài tới trên 70 tập nhưng khi kết thúc, người xem vẫn muốn xem tiếp. Mọi chi tiết trong phim đều ổn, thuyết phục được khán giả.
Hiện nay, phim nhiều tập đua nhau ra đời, lại phát vào “giờ vàng” trên các kênh của các đài truyền hình nhưng xem ra, khán giả ít nhớ, bởi nội dung không mấy sâu sắc, đề cập đến những vấn đề không mấy được người ta quan tâm. Ngay cả mục tiêu lấy giải trí là chính cũng chưa đạt được vì sự thực là nhiều phim nhạt, ít thú vị, tạo nên những tiếng cười không đắt, nhiều khi vô duyên. Chưa kể nhiều sinh hoạt của đời sống các nhân vật trong nhiều phim còn xa lạ với số đông người dân Việt Nam nên họ không hào hứng xem. Nhiều khán giả đã nói thẳng: “Xem PTH nhiều tập của Việt Nam để giết thời gian, vì buổi tối không biết làm gì, mà đi ngủ sớm thì không nhắm mắt được”.
Một điều nữa các nhà sản xuất phim cũng nên ghi nhớ: Số đông người xem PTH không để ý là PTH (Video), hay phim truyện nhựa (mà nhà đài gọi là “phim điện ảnh”) phát trên truyền hình. Họ không có khái niệm điện ảnh khác truyền hình thế nào, mà chỉ quan tâm đến phim có hay không, xem có thú vị, hấp dẫn không mà thôi. Vậy tại sao người làm phim không đầu tư công sức thích đáng cho PTH như phim nhựa? Không chỉ là vấn đề… “đầu tiên” tức tiền đâu? (kinh phí) mà là quan niệm, nhận thức. Và như vậy, PTH 1, 2, 3 tập hà cớ gì bị vứt bỏ để thay bằng nhiều, rất nhiều tập? Cũng cần thấy một điều: Để phục vụ việc quảng cáo của các nhà tài trợ thì yếu tố người xem là rất quan trọng. Phim nhiều tập mà dở khiến người ta tắt máy thì còn ai biết đến các mặt hàng quảng cáo? Trong khi đó, chỉ vài ba tập mà có lượng người xem “khủng”, đổ xô xem, hiệu quả quảng bá sản phẩm hẳn là sẽ lớn gấp bội. Vậy nên, bên cạnh việc làm phim nhiều tập như hiện tại đang làm, sao không tiếp tục cho ra đời những PTH chỉ 1-2 tập mà hay? Có lẽ vấn đề là ở chỗ HAY. Quả không dễ dàng với loại phim chỉ một vài tập. Ngắn mà hay bao giờ cũng khó hơn dài. Điều này thì ở bất cứ chủng loại nghệ thuật nào cũng đúng, chứ chẳng phải chỉ phim TH.
Để cho phong phú phim truyện trên TH, ngoài loại 1-2 tập như trên vừa nói cũng cần phát triển loại phim ngắn, thậm chí cực ngắn (về thời lượng). Phim ngắn chừng 15 đế 20 phút một tập chúng ta đã từng có và đã từng được công chúng hưởng ứng. Không rõ ì lý do gì bỗng dưng biến mất? Tình cờ, có lần tôi được xem trên internet một bộ phim siêu ngắn, chỉ 4 phút. Phim rất hay, sâu sắc khiến tôi quá xúc động đến mức mắt tháy cay. Không rõ phim của nước nào – hình như của châu Âu (hoặc Mỹ). Phim kể câu chuyện một cậu bé luôn đến lớp muộn, bị thày giáo phạt bằng việc lấy thước vụt ào tay. Đã 3 lần cậu bị như thế. Một hôm, thày giáo đạp xe đến trường dạy học như mọi ngày, tình cờ bắt gặp cậu học sinh của mình đẩy chiếc xe chở một bạn tật nguyền đi đâu đó. Xong việc này, cậu mới vội vã, hộc tốc chạy đến lớp (chính vì vậy mà ngày nào cậu cũng đến lớp muộn). Lần này vì nghĩ mình lại sẽ bị thày vụt vbào bàn tay nên cậu đã chủ động xòe tay cho thày đánh. Nhưng thày đã không những không đánh cậu mà còn xòe tay mình ra có ý như là muuón trò đánh mình. Tất nhiên là cậu đã không làm và thày ngồi thụp xuôngs mà ôm chặt cậu vào lòng với vẻ rất hối hận. Và phim hết ở hình ảnh đó. Chỉ có 4 phút àm đem lại cho người xem một cảm xúc vô cùng lớn lao. Làm phim này hầu như chẳng có gì tốn kém. Các nhà làm phim VN cần học từ phim này. Tất nhiên, không dễ nghĩ ra một kịch bản như thế bởi cần tài năng đặc biệt của người sáng tác.
Phim 1-2-3 tập, phim ngắn, cực ngắn là một hướng những người làm PTH nước ta cần phục hồi và phát triển bên cạnh phim dài hàng trăm tập như hiện nay. Và cũng hãy nghĩ tới việc tổ chức thi kịch bản loại phim này sẽ tìm kiếm được những tác phẩm vừa ý.