Căn cước/CCCD là giấy tờ tùy thân cần thiết để xác minh nhân thân nên người dân cần chú ý.
Không có căn cước bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Luật Căn cước quy định Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi phải thực hiện việc cấp căn cước, còn dưới 14 tuổi làm theo nhu cầu. Luật không ghi người dân ra đường phải mang theo căn cước nhưng Nghị định 144 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chống cháy cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia định có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng trong tường hợp không xuất trình được Chứng minh nhân dân, căn cước công dân khi có yêu cầu kiểm tra.
Bộ Công an gần đây đã hoàn thiện dự thảo đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 144/2021/NĐ-CP (dự kiến có hiệu lực từ 1/2025), trong đó cũng ghi rõ Cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với các hành vi:
+ Không xuất trình thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
+ Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử.
+ Không nộp lại thẻ CCCD, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Như vậy khi ra đường mà không mang căn cước, khi có cơ quan chức năng kiểm tra không xuất trình được sẽ bị xử phạt. Thế nên người dân cần chú ý nên mang theo giấy tờ tùy thân ra đường, nhất là khi đi xa, khi nghỉ lại ở nhà người quen...
Không mang căn cước/ CCCD sẽ bị tạm giữ về đồn xác minh?
Trong một số trường hợp vi phạm khi kiểm tra, nếu thấy sự việc nghiêm trọng, Công an có thể mời công dân về trụ sở công an làm việc, xác minh thông tin, lấy thêm lời khai. Đây là những trường hợp có dấu hiệu nghiêm trọng cần phải xử lý và ngăn ngừa. Còn không phải chỉ vì không mang Căn cước/ CCCD mà phải tạm giữ ở đồn công an để xác minh. Thông tin này là không chính xác và không phù hợp với luật.
Khi nào cơ quan chức năng kiểm tra căn cước/ CCCD khi nào
Trong nhiều trường hợp cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người dân cần xuất trình giấy tờ tùy thân để phục vụ kiểm tra, điển hình thường gặp trong các trường hợp:
- Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ để phục vụ tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Các giấy tờ cần kiểm tra: Căn cước hoặc căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, đăng ký xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe máy bắt buộc...
- Kiểm tra cư trú
- Kiểm tra giấy tờ tang chứng tội phạm
- Kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính...
Không mang Căn cước/ CCCD bản cứng, xuất trình bản mềm trên VneID hợp lệ không?
Hiện nay ứng dụng VneID đã trở thành ứng dụng tích hợp nhiều thông tin cá nhân.
Khoản 5, 6 Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
- Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
- Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là người nước ngoài có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Do đó công dân có dùng ứng dụng VNeId trên điện thoại và tích hợp thông tin thì không cần phải mang bản cứng mà xuất trình bản mềm trên VNeID có giá trị tương đương bản cứng.