Vào ngày 11/5, mở đầu PR tiền ảo phải kể đến Ngọc Trinh khoe ví tiền của mình với tổng cộng 186 BTC, theo quy đổi hiện tại thì sẽ có khoảng hơn 10 triệu USD- một con số khiến mọi người ao ước. Ngay sau đó, các Celeb lớn nhỏ như Kiều Minh Tuấn, Nam Thư, Lê Dương Bảo Lâm cũng đăng đàn chia sẻ về việc Hold các đồng tiền số (Hold coin là việc nắm giữ một đồng coin trong thời gian dài. Không bán đi cho dù giá trị đồng coin này có biến động tăng giảm không ngừng - PV)
Điều đặc biệt là các bài đăng giống hệt nhau từ nội dung đến cách chèn hashtag khiến cộng đồng mạng dấy lên nghi vấn PR trắng trợn.
Theo đó, rất nhiều các báo và page uy tín đã đăng bài cảnh báo người dùng về việc "dụ" chơi coin, đầu tư vào coin. Nhìn qua các bài đăng thì ai tinh ý cũng đều nhận ra "dấu hiệu mùi PR quá lố".
Và thật bất ngờ, vào sáng (12/5), netizen mò vào Facebook của "các nhà đầu tư" để cập nhật tình hình thì tất cả các bài đăng về coin đã biến mất. Cũng không rõ là "các celeb uy tín của chúng ta" có tật giật mình xoá bài đăng hay là một trò đùa đồng loạt, nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh về những ai đang có đam mê làm giàu, hay mong đổi đời từ tiền "ảo".
Có thể thấy mặt tối đằng sau những hào quang đó mới thực sự đáng sợ. Đã có rất nhiều người, do bị "mờ mắt" bởi mức lợi nhuận lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm lần trong thời gian ngắn đã quyết tâm đổ toàn bộ gia sản vào những đồng "meme coin" kể trên, để đến khi bong bóng thị trường vỡ tung, giá "coin" tuột không phanh thì tất cả mới vỡ lở. Trắng tay, tài khoản thì rỗng tuếch, những nhà đầu tư "non tay" này mới thất thần nhận ra bấy lâu nay mình chỉ đang "ngủ quên" trong chính giấc mơ của mình!
Theo quy định, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa. Còn tại khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng cảnh báo về rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp. Theo Bộ Tài chính, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.
Đồng thời, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của bộ này có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam. Bitcoin và một số loại tiền ảo khác là loại tài sản ảo, tiền số được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp. Do đó, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.
Theo baohanoimoi đăng tải ngày 3/3/2021 - Bài viết: Các hoạt động giao dịch tiền ảo là vi phạm pháp luật tại Việt Nam